Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

1. Bí ẩn giờ khắc lên ngôi

Để nói về câu chuyện Lê Hoàn, hắn ta phải quay lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh. Trong khúc ca số 3 về “Vạn Thắng Vương” chúng ta có nói qua về cuộc can qua của Đinh Bộ Lĩnh thuở còn Hoa Lư với hai vua nhà Ngô là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn. Năm 951, Đinh Bộ Lĩnh sai Đinh Liễn vào Cổ Loa làm con tin. Khi Đinh Liễn đến, hai vua Ngô trách tội Bộ Lĩnh không đến chầu, rồi bắt giữ Liễn, đem theo đi đánh Hoa Lư. Nhưng Hoa Lư quá hiểm trở cho phòng thủ, quân Ngô không đánh nổi, hai vua Ngô liền bèn treo Liễn lên ngọn sào, sai người bảo Bộ Lĩnh, nếu không chịu hàng thì giết Liễn. Bộ Lĩnh tức giận nói: “Đại trượng phu chỉ mong lập được công danh, há lại bắt chước thói đàn bà xót con hay sao?”

Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn. Hai vua Ngô kinh sợ nói: “Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì?” Bèn không giết Liễn mà đem quân về. Khi Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn chết, triều đình Cổ Loa rối ren, Đinh Liễn về lại Hoa Lư, kết hợp cùng Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và Phạm Cự Lạng. Họ cùng với người chủ soái Đinh Bộ Lĩnh được các sử gia Trung Quốc gọi là “Giao Châu thất hùng”. Những con người sẽ dẹp loạn cát cứ và tạo nên vương triều họ Đinh sau này.

Ở đây chúng ta có hai chi tiết: Câu chuyện về việc treo Liễn trên ngọn cây sào đó để ta hiểu, bản thân Đinh Liễn là một người con đã theo cha vào sinh ra tử, đã cùng chiến đấu với cha từ thuở còn chạy loạn đến khi lên ngôi cửu đỉnh. Đinh Liễn xứng đáng ở ngôi thái tử không chỉ vì ngài là con trưởng mà còn vì công trạng ngài đã lập lên. Và câu chuyện “Giao Châu thất hùng” để ta biết Lê Hoàn năm xưa là bề tôi của vua Đinh Bộ Lĩnh, không những thế ông còn là khai quốc công thần của nhà Đinh.
Hai chi tiết đó sẽ dẫn chúng ta đến chương sử đẫm máu và ly kỳ nhất trong giai đoạn cuối Đinh, đầu Lê.

Có lẽ trong mỗi chúng ta đều biết về câu chuyện thái hậu Dương Vân Nga khoác áo bào cho vua Lê Hoàn khi giặc Tống xua quân xuống đánh nước ta. Trước sự đe dọa của giặc ngoại xâm, trong khi vua Đinh Toàn còn quá nhỏ, thái hậu Dương Vân Nga vì đại cục đã sai lấy áo long bào khoác lên mình “thập đạo tướng quân” Lê Hoàn và trao ngôi vua cho ông.

Nhưng những dòng ngắn gọn ấy liệu có khiến chúng ta phải suy nghĩ?

Thời nhà Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng chia quân đội làm mười đạo, người đứng đầu là thập đạo tướng quân – người nắm giữ binh quyền, và chức tước ấy là của Lê Hoàn. Tức việc đánh dẹp quân xâm lược vốn là nhiệm vụ của ông, người nắm vai trò như bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời hiện đại. Vậy tại sao ông phải lên ngôi thì mới đánh trận với quân Tống được, khi bảo vệ bờ cõi là bổn phận của ông? Nếu vua Đinh Toàn còn nhỏ thì mang danh khai quốc công thần ông cần giúp vua chứ sao lại cần thay ngôi?

Ngoài ra, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép lại: “Nguyễn Bặc, Đinh Điền làm phụ chính cho Phế Đế, nhưng lúc đó Dương Thái hậu cho Lê Hoàn làm Phó Vương, nắm quyền chỉ huy quân đội, tự do ra vào cung cấm. Nguyễn Bặc lo lắng bàn với các tướng:

“Lê Hoàn sẽ bất lợi cho ‘nhụ tử’ (chỉ vua Đinh Toàn), chúng ta chịu ơn dày của nước, nếu không tính trước đi, giữ cho xã tắc được yên thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế (chỉ Đinh Bộ Lĩnh) ở suối vàng nữa?”

Ông bèn cùng Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh, chia hai đường thủy bộ cùng tiến đánh Lê Hoàn, Nhưng cả hai đều không phải là đối thủ của Lê Hoàn. Kết quả Đinh Điền chết tại trận, Nguyễn Bặc thì bị bắt sống và chém đầu.

Điều này cho thấy, Lê Hoàn lên ngôi là cả một quá trình đấu đá nội bộ rất phức tạp chứ không đơn giản bằng mấy dòng “Thái hậu Dương Vân Nga khoác áo bào.”

Bây giờ, hãy đi sâu vào vụ án ly kỳ này. Như đã nhắc ở đoạn đầu về Đinh Liễn, vua Đinh Tiên Hoàng cả một đời anh minh đã phạm sai lầm chết người vào lúc cuối đời. Sai lầm này đã phải trả giá bằng một vương triều mà ông cất công gây dựng. Đó chính là “phế trưởng lập thứ”. Vì yêu con thứ Đinh Hạng Lang mà trao ngôi thái tử cho Hạng Lang, bỏ qua người con cả đã “vào sinh ra tử” với mình lại đang nắm binh quyền là Nam Việt Vương Đinh Liễn.

Bằng việc này, Đinh Bộ Lĩnh đã đưa tới một cuộc đua tranh dữ dội cả trong hậu cung lẫn các viên cận thần. Sự bất mãn của Đinh Liễn lên đến tột đỉnh bằng việc giết chết người em ruột của mình là Đinh Hạng Lang. Đinh Tiên Hoàng để xá tội cho Đinh Liễn vì đại cục. Nhưng mọi thứ đã không còn như trước nữa. Một âm mưu đáng sợ đang vây quanh hai con người đã thống nhất đất nước thời ly loạn.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 1) chép: “Mùa đông, tháng Mười (năm Kỷ Mão, 979), quan giữ chức Chi Hậu Nội Nhân là Đỗ Thích giết chết nhà vua (Đinh Tiên Hoàng) ở trong cung. (Đỗ Thích người làng Đại Đê, huyện Thiên Bản, nay thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x