Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Tâm Lí Học Đám Đông của tác giả Gustave Le Bon

Chương I. ĐẶC ĐIỂM TỔNG QUÁT CỦA ĐÁM ĐÔNG: QUY LUẬT TÂM LÍ VỀ SỰ THỐNG NHẤT TINH THẦN CỦA ĐÁM ĐÔNG

Cái gì cấu thành một đám đông xét về quan điểm tâm lí học. – Một sự quần tụ nhiều cá nhân không đủ để họp thành một đám đông. – Những đặc tính riêng biệt của đám đông tâm lí. – Khuynh hướng cố định về tư tưởng và tình cảm ở những cá nhân hợp thành đám đông và sự biến mất tính cách cá nhân. – Đám đông bao giờ cũng bị cái vô thức thống trị. – Sự biến mất của hoạt động não bộ và sự ưu trội của hoạt động tuỷ sống. – Sự giảm sút trí tuệ và biến đổi hoàn toàn những tình cảm. – Tình cảm được biến đổi có thể tốt hơn hay xấu hơn tình cảm của những cá nhân đã họp thành đám đông. – Đám đông cũng dễ dàng là anh hùng hay tội phạm.

Theo nghĩa thông thường, từ đám đông biểu thị một sự hợp nhất những cá nhân bất kì, bất kể thuộc dân tộc, nghề nghiệp hay giới tính nào, và cũng bất kể sự ngẫu nhiên nào đã tập hợp họ lại.

Từ quan điểm tâm lí học, thuật ngữ đám đông có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Trong một vài hoàn cảnh đã cho, và chỉ trong những hoàn cảnh này thôi, một quần tụ những con người sẽ có những tính cách mới rất khác những tính cách của những cá nhân họp thành quần tụ ấy. Cá tính có ý thức biến mất, những tình cảm và tư tưởng của tất cả các đơn vị đều hướng về cùng một hướng. Nó hình thành một tâm hồn tập thể, tuy chỉ nhất thời, nhưng có những tính cách rất rõ. Vì thiếu một từ ngữ hay hơn, nên tôi gọi cái tập thể ấy là một đám đông được tổ chức, hoặc, nếu muốn, còn gọi là một đám đông tâm lí. Đám đông này hình thành nên một thực thể duy nhất, phục tùng quy luật thống nhất tinh thần của những đám đông.

Rõ ràng là không phải chỉ vì có nhiều cá nhân ngẫu nhiên ở bên cạnh nhau mà họ có được những tính cách của một đám đông có tổ chức. Một ngàn cá nhân ngẫu nhiên tụ họp trên một quảng trường công cộng không có một mục đích xác định, thì không hề là một đám đông từ quan điểm tâm lí học. Để có được những tính cách đặc biệt, cần phải có ảnh hưởng của một vài tác nhân kích thích mà chúng ta sẽ xác định bản tính của chúng.

Sự biến mất cá tính có ý thức và việc định hướng những tình cảm và tư tưởng theo một chiều nhất định, là những nét đầu tiên của đám đông đang tự tổ chức, không phải bao giờ cũng bao hàm sự hiện diện đồng thời nhiều cá nhân trên cùng một điểm. Hàng ngàn cá nhân tách riêng, ở một thời điểm nào đó, có thể chịu ảnh hưởng của một vài xúc cảm mãnh liệt, ví dụ một biến cố quốc gia to lớn, cũng có tính cách một đám đông tâm lí. Lúc ấy chỉ cần một ngẫu nhiên nào đó tập hợp họ lại thì những hành động của họ lập tức mang tính cách đặc biệt của hành vi đám đông. Ở một vài thời điểm, chỉ một nửa tá người cũng có thể cấu thành một đám đông tâm lí, trong khi hàng ngàn người tập hợp ngẫu nhiên lại không thể cấu thành đám đông tâm lí. Mặt khác, toàn thể một dân tộc, dẫu không có sự quần tụ rõ ràng, cũng có thể trở thành một đám đông dưới tác động của một số ảnh hưởng.

Khi một đám đông tâm lí được hình thành, nó liền có những tính cách chung tạm thời, nhưng có thể xác định được. Những tính cách chung này lại được cộng thêm tính cách riêng, khả biến, tuỳ theo những thành tố mà đám đông bao gồm và có thể làm biến thái cấu tạo tinh thần của đám đông.

Như thế, những đám đông tâm lí đều có thể phân loại và khi tới mục phân loại này, chúng ta sẽ thấy rằng một đám đông không thuần nhất, nghĩa là gom những phần tử không giống nhau, cũng sẽ có những tính cách chung với những đám đông thuần nhất, nghĩa là gồm những phần tử ít nhiều giống nhau (giáo phái, đẳng cấp, giai cấp), và bên cạnh những tính cách chung đó, còn có những đặc tính riêng cho phép ta phân biệt được hai loại đám đông ấy.

Nhưng trước khi xem xét các loại đám đông khác nhau, đầu tiên ta cần phải nghiên cứu những tính cách chung của tất cả các loại. Chúng ta tiến hành như nhà tự nhiên học, bắt đầu bằng việc mô tả những tính cách chung của mọi cá thể thuộc về một họ trước khi xét tới những tính cách riêng cho phép phân biệt những loài và những giống mà họ đó bao gồm.

Thật chẳng dễ gì mô tả chính xác tâm hồn đám đông, bởi vì tổ chức của nó biến đổi chẳng những tuỳ theo chủng tộc và thành phần của các tập thể, mà còn tuỳ theo bản tính và mức độ của các tác nhân kích thích lên những tập thể ấy. Nhưng khó khăn này cũng có trong việc nghiên cứu tâm lí một cá nhân bất kì. Chỉ trong tiểu thuyết ta mới thấy những cá nhân trải qua cuộc đời với một tính cách không thay đổi. Chỉ có sự đồng đều của môi trường mới tạo ra sự đồng đều bên ngoài của những tính cách. Vả lại, tôi đã chứng minh ở một tác phẩm khác rằng mọi cấu trúc tinh thần đều hàm chứa những khả năng về tính cách có thể biểu hiện ngay khi môi trường đột ngột thay đổi. Chính vì vậy, những đại biểu dữ tợn nhất của Hội nghị Quốc ước[1] lại là các nhà tư sản hiền lành trong hoàn cảnh bình thường, họ vốn là những công chứng viên hoà nhã hay quan chức hành chính đức hạnh. Giông bão đi qua, họ lại quay trở lại với tính cách bình thường của tầng lớp trung lưu ôn hoà. Napoléon đã tìm được trong tầng lớp này những nô bộc ngoan ngoãn nhất của mình.

Ta không thể nghiên cứu ở đây tất cả những mức độ hình thành đám đông, mà chỉ nghiên cứu trước hết những đám đông trong thời kì chúng đã trở thành tổ chức hoàn bị. Nghĩa là, chúng ta sẽ xem xét chúng có thể trở thành cái gì chứ không phải chúng luôn luôn đã là cái gì. Chỉ trong giai đoạn đã phát triển này của tổ chức thì một số đặc điểm mới mẻ và đặc biệt mới chồng lên trên tính cách bất biến và chủ đạo ấy của chủng tộc, và sẽ xảy ra chuyện tình cảm và tư tưởng của tập thể quay về cùng một hướng. Chỉ vào lúc đó mới biểu lộ cái mà ở trên tôi gọi là Quy luật tâm lí về sự thống nhất tinh thần của đám đông.

Trong những tính cách tâm lí của đám đông, có những tính cách mà đám đông có thể có chung với những cá nhân riêng lẻ, trái lại chúng còn bao hàm những tính cách rất riêng biệt, chỉ có ở tập thể. Chính những tính cách riêng biệt này là những gì ta cần phải nghiên cứu trước tiên để vạch rõ tầm quan trọng của chúng.

Sự kiện nổi bật nhất của đám đông tâm lí là điều sau đây: dù những cá nhân họp thành nó như thế nào, dù đời sống, nghề nghiệp, tính cách hay trí tuệ của những cá nhân ấy giống nhau hay khác nhau ra sao, thì chỉ riêng việc họ chuyển biến thành đám đông, họ đã có một thứ tâm hồn tập thể làm cho họ cảm nhận, suy nghĩ, và hành động theo một cách hoàn toàn khác với cách mà một cá nhân riêng lẻ vẫn cảm nhận, suy nghĩ, và hành động. Có những tư tưởng, tình cảm chỉ nảy sinh hay chỉ biến thành hành động ở những cá nhân khi cá nhân ấy nằm trong đám đông. Đám đông tâm lí là một tồn tại tạm thời, hợp thành bởi những yếu tố dị loại chỉ gắn kết với nhau trong một thời đoạn, chúng giống hệt những tế bào cấu thành một cơ thể sống nhờ nối kết với nhau thành một sinh vật mới, biểu lộ những tính cách rất khác biệt với tính cách mà riêng từng tế bào đã có.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x