
Tâm Tình Học Giả Nguyễn Hiến Lê – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Tâm Tình Học Giả Nguyễn Hiến Lê của tác giả Lê Phương Chi mời bạn thưởng thức.
Sau khi ăn cơm trưa và nghỉ ngơi vài mươi phút, rồi theo lời yêu cầu của tôi cũng như ông đã hứa từ trước trên Sài Gòn, học giả Nguyễn Hiến Lê đã mạn đàm với tôi về tâm sự của mình sau đây.
Tôi hỏi: Xin ông cho nghe khái quát về sinh hoạt văn học nghệ thuật của đời mình?
Học giả Nguyễn Hiến Lê cười bằng ánh mắt:
– Vấn đề này tôi đã trả lời anh Nguyễn Ngu Í [1] rồi, nay nhắc lại để anh ghi, có thể thiếu vài chi tiết nhé!
Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, tôi từ giả đời công chức, không về nhiệm sở trên Sài Gòn, mà ở lại Long Xuyên xin dạy trường trung học Thoại Ngọc Hầu. Tôi dạy các môn Pháp văn, Việt văn, Đức dục, Hán văn…
– Vì ông thất nghiệp nên ông xin chính phủ cho đi dạy để có thu nhập phải không?
– Chưa đến nỗi như anh nghĩ đâu. Bấy giờ nhà tôi [2] không làm ở tiệm may đường Sabourain [3] (Sài Gòn) nữa, mà đi dạy trường mẫu giáo Aurore ở đường Bàn Cờ. Sau này là đường Phan Đình Phùng, rồi nay là đường Nguyễn Đình Chiểu. Cháu Nhật Đức đã vào học trường Jean Jacques Rousseau, nay là trường Lê Quí Đôn. Mẹ nó vừa dạy mẫu giáo vừa kèm con học. Còn tôi, năm 1949 nhân có người bạn là kỹ sư đồng sự với tôi ở Sở Thuỷ lợi, khi ấy ông ta là khu trưởng công chánh miền Tây Nam Bộ. Ông mời tôi xuống Long Xuyên chơi, và anh bạn kỹ sư ấy khẩn thiết mời tôi trở lại ngành công chánh, tôi từ khước. [4] Vừa lúc ấy tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Thơ, người quen cũ, đang làm tỉnh trưởng Long Xuyên. Ông cho biết tỉnh có mở trường trung học Thoại Ngọc Hầu, hai lần khẩn khoản mời tôi dạy thay một ông giáo đang dạy, phải trở về Bộ trên Sài Gòn. Vì thấy công việc dạy học cũng là đào tạo cho thế hệ tương lai của đất nước nên tôi mới nhận lời…
– Đang dạy học ngon lành như vậy, thời ấy nhiều người mơ ước không được, vì sao ông thôi dạy và trở về Sài Gòn? Có phải vì sự mâu thuẩn gì với ban giám hiệu rồi thầy giáo Nguyễn Hiến Lê được thôi giữ chức?
Học giả Nguyễn Hiến Lê lại cười thật lớn trước câu đùa nghịch của tôi, ông cũng nói đùa, bắt chước giọng miền Nam:
– Sức mấy mà tôi bị người ta cho thôi giữ chức!
Cười đùa với nhau một hồi, xem ông có vẻ rất thích thú. Sau đó ông Lê trầm ngâm một chặp rồi nói:
– Thú thật, tính tôi rất nóng, hễ giận trò nào là tôi la lớn, nên phần đông học sinh sợ chớ không mến tôi. Tôi lại bực mình vì đa số phụ huynh học sinh thời ấy không muốn học giỏi để thi đậu, mà chỉ cần con được mau học lên đến năm thứ Tư ban Cao đẳng tiểu học Pháp mà chương trình Hoàng Xuân Hãn gọi là lớp đệ Tứ niên, sau ông Diệm gọi là đệ Tứ, để gia đình họ hãnh diện với hàng xóm. Mà số học sinh ấy hầu hết viết không đúng văn phạm một câu Pháp ngữ.
Niên khoá nào tôi cũng đề nghị với ông hiệu trưởng nên cho mấy em học sinh học kém phải redoubler (lưu ban). Nhưng bị áp lực của mấy vị phụ huynh có “máu mặt”, thành ra ông không nghe theo tôi. Và cũng do đó, tôi cảm nhận ở Long Xuyên có nhiều người không ưa tôi, tuy rằng họ coi trọng tư cách đứng đắn của tôi. Sở dĩ tôi được biết như vậy vì sau này có nhiều người học trò cũ của tôi thời ấy, khi đi kháng chiến về, hoặc những công chức ở tỉnh, gặp tôi ngoài đường đều lễ phép chào hỏi và gọi thầy, xưng con với tôi. Trong số ấy có một vài người nhắc lại lời khuyên của tôi: “Về vật chất nên sống dưới mức trung bình, về tinh thần nên sống trên mức trung bình”. Và cũng có một vài người nói rằng, cũng nhờ làm theo lời tôi khuyên khi giảng bài trong lớp: “Bất cứ việc gì ở đời, cứ làm hết sức mình rồi mặc cho hoá công định đoạt, đừng có tham vọng cướp quyền tạo hoá”, cho nên anh ta vượt qua được nhiều khó khăn…
Tôi dạy trường Thoại Ngọc Hầu có ba năm, mà đến hôm nay, đã hơn ba mươi năm, khi tôi ngồi nói chuyện với anh đây. Thỉnh thoảng tôi đi dạo quanh quanh thị xã Long Xuyên, vẫn gặp lại năm bảy người học trò cũ còn xem trọng tôi như cha chú.
Như đã nói khi nãy, là tính tôi quá nóng, lại thích cho học trò học thật giỏi, mà gặp những “con ông cháu cha” như vậy tôi đâm chán. Lại nữa, tôi mê đọc sách và thấy mình còn dốt quá, phải viết sách để buộc mình phải tự học. Đó là lý do tôi từ giả công việc dạy học để trở về Sài Gòn viết sách và lập nhà xuất bản, như trước tôi đã nói với anh Nguyễn Ngu Í, là vào năm 1952, tôi sẽ trở về sống lại ở Sài Gòn. Năm 1953 tôi thành lập nhà xuất bản lấy tên tôi là nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê để ấn hành những tác phẩm của mình. Cũng từ đó đến nay tôi chỉ sống với cây bút. Rồi tác phẩm của tôi ngày càng nhiều, tự xuất bản không xuể, tôi phải đưa cho các nhà xuất bản: Lá Bối, Cảo Thơm, Tao Đàn, Khai Trí để họ xuất bản[1]. Cần nói thêm là nhà xuất bản Khai Trí chỉ khiêm tốn để vào bìa sách là “Nhà sách Khai Trí phát hành” mặc dù sách ấy do họ bỏ tiền in và xuất bản.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.