Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Trời đất là một hóa cảnh, mở, đóng riêng chia, người vật là một sinh cơ, xưa, nay có khác. Duy lẽ đạo của ta như một bầu nguyên khí bàng bạc, mà thường ký ngụ ở trong khoảng chữ nghĩa văn chương. Ôi, gọi là tang thương, vì sao mà có tập sách này? Ốc hến trên núi, đó là tang thương của vận giời; gươm cổ trong ruộng, đó là tang thương của việc người; kinh xưa không thể lại thấy, chỉ thấy những sách chưa đốt của người Tần(3), sử đúng không thể lại được, chỉ được bản thảo đã thành của Ban, Mã(4), đó là tang thương của sách vở. Song có người đem xướng minh ra, thì lại có sự không tang thương ở trong.

Nước Nam ta từ đời Hồng Lạc đến nay, chính thống thì như Đinh, Lý, Trần, Lê, tiếm ngụy thì như Mạc, Hồ, Nhạc, Huệ, lại nào sứ quân rạch đất, đô hộ cầm quyền, những cuộc tang thương, há chẳng đã rất nhiều rồi sao! Than ôi, đạo ta vốn không có thời kỳ tang thương, nhưng người ta tất có cái cảm khái tang thương, ấy tập sách tang thương này sở dĩ có là vì thế đó.

Tùng Niên là quan Quốc tử Tế tửu, hiệu Đông Dã Tiều, do chân trưng triệu mà ra, ông họ Phạm đó; Kính Phủ là quan huyện doãn Tiên Minh, hiệu Ngu Hồ, ông họ Nguyễn đó. Hai ông sinh về cuối đời Lê, gặp những cuộc biến bể dâu, nhưng bể học của các ông vẫn giữ được nguyên trong lặng. Cho nên phát hiện ra văn, Tùng Niên viết bài ký núi Phật Tích, Kính Phủ viết bài ký núi Tiên Tích, trong lời ký như có nét vẽ, có thể cùng với bài ký nguồn Đào hoa của Uyên Minh đời Tấn cùng truyền. Lại còn như kể chuyện ba vị vua hiền đời Lê như Thánh Tông, Thần Tông, Hiển Tông mà tường cả đến việc cũ ở trong phủ chúa; kể chuyện các vị danh thần đời Trần như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, mà đến cả thói ngang ngạnh của Quận mã Đặng Lân.

Chép chuyện đền miếu ở thôn ấp, thì đến cả việc Thuần Dương tổ sư nhận lầm là Liễu Hạnh công chúa, tượng cổ ở ngôi chùa đồng, bia đá ở núi Thành Nam, thần thiêng ở quán Trấn Võ, thánh giang ở đền Linh Lăng. Chép chuyện mả tổ nhà người thì đến cả mả mẹ Đào Khản, lại đem mả người thiếp của Phục Ba ra để đối chứng, thầy địa ở Tả Ao, mả phát ở Vân Điềm, tiết phụ nhà họ Đàm, võ thần làng Quế Ổ. Tuy bậc danh công của lịch đại, hay người tài nữ của một thời, đều vào trong ngọn bút phẩm bình. Chân nhân đi theo tiên, cùng là nông phu trông thấy quỷ, cũng không hiềm là quái đản. Thậm đến cột gỗ biện gian, Thái Tây truyền đạo, cùng những việc lạ ăn người, hóa hổ, cũng đều ghi chép. Từ Lý, Trần, Lê, Trịnh đến nay, trên dưới mấy trăm năm, có những điều quốc sử chưa ghi, dã sử chưa chép, hai ông đều thu cả vào trong cõi mắt tang thương. Nếu hai ông hết thảy đều cho là việc tang thương mà quên đi, thì những chuyện ấy phỏng được mấy lâu mà mai một đi mất. May mà lấy ngòi bút tang thương biên chép, nên nó còn là cánh bè chở bến mê, ngọn đèn soi nhà tối, đặt tên là Tang thương ngẫu lục, ý nghĩa có thể nhận biết được vậy.

Nay ông Gia Xuyên đã gặp thời mà để ý vào việc kiếm sách, bác Hải Nông chưa gặp thời mà dùng công vào việc khắc ván, cùng với tôi đều người trong cuộc tang thương mà ý thú tình cờ gặp nhau. Vì thế nên tôi quen mình bỉ lậu, viết mấy lời lên đầu giấy, mong rằng không vì tang thương mà phải bỏ đi thì may lắm.

Hoàng triều năm Bính Thân(5) tháng tiểu xuân ngày thượng cán(6)

Chủ nhân đình Tam An

Phùng Dực Bằng Sô

Cẩn tựa

Việc không gì lớn bằng giữ gìn cái cũ, học không gì cần bằng bỏ trống chỗ ngờ, đó thật là lời nói biết lẽ.

Nước Nam ta trải trăm nghìn năm, vẫn là một nước văn hiến cũ, nhà làm sử đời nào cũng có. Song từ Lê về trước phần nhiều giản lược, khiến cho người khảo cổ thường phải băn khoăn, vậy thì những dã sử ngoại truyện, sao nên để cho mai một.

Mậu này từ thủa nhỏ hầu học gia nghiêm(7), thường được người đem những chuyện các bậc danh hiền đời trước của nước nhà mà kể cho nghe, như ông Hương cống họ Nguyễn ở làng Cổ Đô mải miết học tập(8), ông Thám hoa họ Giang ở làng Mông Phụ đi sứ vẻ vang(9), ông Trạng nguyên họ Vũ ở làng Trình Xá gieo ấn xuống bể mà chết theo nạn nước(10), và còn nhiều chuyện khác nữa. Đó cũng là đem những chuyện thật ở ngoài chính sử mà kể, trẻ dại biết gì, bấy giờ tôi chỉ biết vâng dạ mà thôi. Rồi sau đó đi làm quan xa, tôi từng được trông thấy tập Tang thương ngẫu lục ở nhà người bạn. Xem tên người viết thì là Tùng Niên và Kính Phủ, cũng chưa biết rõ là ai. Nhưng những chuyện biên chép trong đó, có nhiều chuyện đúng như tôi đã được nghe, vậy không còn ngờ gì đó là một tập chép những sự thực.

Năm nay tôi ở nhà báo Đồng Văn, đã đem chuyện ông Hương cống Cổ Đô vào báo. Chợt người bạn cũ là bác Lê Hải Nông đem tập này đến mà bảo: “Đây là sách của bậc danh hiền làng tôi soạn ra, nay ông bạn đỗ đồng khoa của bác là quan Tổng đốc Hải Dương Đỗ Gia Xuyên quyên tiền lương bổng để khắc ván, vậy bác làm cho một bài tựa”. Hỏi ra thì Tùng Niên là quan Tế tửu Phạm Đình Hổ người làng Đan Loan, Kính Phủ là ông Hương cống Nguyễn Án đỗ khoa thi hương thứ nhất của Quốc triều, người làng Du Lâm. Hai ông sinh về thời Cảnh Hưng nhà Lê, đến khi hoàng triều dấy lên mới ứng mệnh mà ra làm quan. Trong khoảng đó Tây (Tây Sơn), Bắc (Tàu) tranh giành non sông biến đổi, trắng xanh nhấp nhoáng, chớp mắt muôn màu, những việc tang thương, nói làm sao xiết.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x