Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Tết Ở Làng Địa Ngục

Năm đó, tại một ngôi làng xa xôi trên một ngọn núi hoang vu, người ta đón Tết trong sự kinh hãi tột độ, hoài nghi đau đáu và giận dữ khôn cùng trước sự ập tới của những bi kich tàn khốc.

Ngôi làng ấy vốn dĩ không có tên, nhưng những người nơi đây mặc định chốn này là địa ngục. Dân trong làng không ai dám tự ý băng rừng thoát khỏi làng, càng không biết thế giới bên ngoài rộng lớn như thế nào, bởi lẽ họ sợ người khác sẽ biết rằng bản thân mình vốn là hậu duệ của băng cướp khét tiếng ở truông nhà Hồ dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Vào một đêm cuối năm rét buốt, ông Thập – người duy nhất có thể ra khỏi làng – được báo mộng bởi một âm hồn mặc quan phục màu đỏ rực. Làng Địa Ngục sắp gặp họa lớn!

Thành danh bằng những tác phẩm văn học kinh dị đậm chất Việt Nam được phát hành qua mạng, lần này tác giả Thảo Trang tiếp tục mang đến một câu chuyện hấp dẫn, mở ra một thế giới huyền bí với những sinh vật, thế lực siêu linh mà người đọc không bao giờ hết hứng thú, để lại những dư âm không phai khi gấp sách lại.

HỒI THỨ NHẤT

TÁO QUÂN BÁO MỘNG

Tết năm ấy dường như đến sớm, mới đầu tháng Chạp mà mấy cây hoa đào trước làng đã bắt đầu nở rộ. Ngôi làng kì thực không lớn lắm, từ con đường nhỏ đi vào là có thể nhìn thẳng đến cuối làng, nơi có những mái nhà tranh xiêu vẹo, làn khói nhà ai nấu nướng bốc lên nghi ngút.

Người dân trong làng vốn sống biệt lập với bên ngoài, mọi thứ đều do dân tự cung tự cấp. Đàn ông trong làng ngày ngày vào rừng đặt bẫy thú, đàn bà dệt vải, trồng trọt cây trái quanh nhà. Sương mù quanh năm giăng lối, khí trời lạnh lẽo lại vô tình biến nơi đây thuận lợi hơn trong việc trồng trái cây, rau củ. Đáng lẽ ra cuộc sống của người làng Địa Ngục cứ trôi qua trong yên bình như thế, nếu không có vụ án bí hiểm năm ấy.

Ông Thập làm trưởng làng tính ra cũng ngót nghét chục năm ròng. Triều đình vốn không biết đến sự tồn tại của làng Địa Ngục, thế nên bộ máy chính quyền quản lý của làng không phải là lý trưởng, cai lệ, hương tuần. Người có uy quyền lớn nhất đó chính là trưởng làng, nói cụ thể hơn thì là ông Thập. Sở dĩ ông có được cái chức trưởng làng là bởi ông là người duy nhất có thể mang hàng hóa của dân trong làng, băng rừng, trèo đèo lội suối đi xuống dưới xuôi để bán. Đổi lại ông cũng mua thuốc dưới xuôi để bán. Đổi lại ông cũng mua thuốc men, gạo muối đem về cho dân.

Việc ấy tưởng chừng như đơn giản, ấy thế mà nhiều người trong làng lại chẳng mấy ai thành công trót lọt. Người thì bị lạc đường, người thì bị rơi xuống hố mất hết hàng hóa, thậm chí có người bị rắn độc cắn chết ở dọc đường. Chỉ duy nhất có ông Thập làm giao thương trót lọt. Thời trước thì có cha ông, và ông bà nội ông có thể vượt dốc băng rừng. Ấy thế nhưng việc trao đổi hàng hóa diễn ra cũng hết sức ít ỏi. Một tháng chỉ có vài ngày họp chợ, xem ra thì cũng giống như chợ phiên của đồng bào miền ngược, chỉ có điều phiên chợ mà làng Địa Ngục cử người tham gia lại toàn người Kinh mà thôi. Phải đến thời ông Thập thì việc giao thương mới trở lên đều đặn hơn. Ấy là vì ông Thập có sức vóc, lại thông thạo nhiều loại tiếng địa phương, ông còn được bà nội dạy cho ít tiếng Tàu cho nên buôn bán trót lọt, tiền bạc cũng nhiều hơn hẳn.

Bản thân ông Thập cũng là người thật thà, uy tín. Nếu có thể giúp được ai cái gì, ông đều chẳng nề hà, thành ra dân trong làng ai nấy đều quý mến ông, họ đồng lòng tôn ông là trưởng làng, mọi việc trong làng từ ma chay, cưới hỏi đều do ông làm chủ.

Ông Thập có một người vợ tên là bà Lim, nhưng chẳng ai gọi tên thật của bà cả, người ta quen gọi tên vợ theo tên chồng thêm chữ thị đằng trước, tức là Thị Thập. Hai ông bà ăn ở với nhau hơn chục năm, cả hai quen biết nhau từ nhỏ, cũng được gọi là bạn thanh mai trúc mã. Gia đình ông Thập tuy không bề thế như lý trưởng, cường hào ở dưới xuôi, nhưng cũng gọi là có của ăn của để. Chỉ duy có một điều khiến ông Thập băn khoăn đó là ông bà vẫn chưa có người nối dõi. Ông lo lắng lắm, dù gì thì ông cũng ngót nghét bốn mươi tuổi rồi, vợ ông cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa. Chính vì thế mà lần nào mang hàng xuống dưới xuôi, ông cũng đều đi xem bói. Thăng Long có thầy bói nào nổi tiếng ông cũng tìm đến cho bằng được. Người thì kêu ông phải làm lễ thật to để thầy giải hạn, kẻ khác lại bảo ông phải mang thật nhiều tiền đi công đức cho thầy mới mong , nếu mà là con trai thì càng tốt. Ai có mụn con nói gì ông Thập đều làm theo, thế nhưng chẳng có tiến triển gì. Vợ chồng ông Thập lấy làm rầu rĩ lắm.

Tháng Chạp năm ấy lạnh cắt da cắt thịt, mới đầu tháng ông Thập đã gánh hàng xuống dưới xuôi để đem bán. Gần tết rồi, thứ gì cũng đắt đỏ cả. Ông không mang theo rau củ nông sản như mọi lần nữa, mà lần này trong cái bao của ông toàn vải là vải. Ông Thập bày vải lên trên cái sạp nho nhỏ đan bằng mấy đọt tre còi cọc rồi ngồi ở đầu chợ, chẳng mấy chốc đã hết veo. Ông đương chuẩn bị đi về thì chợt thấy có một ông già bẩn thỉu lết lại gần xin ăn. Nhìn ông già ăn mày thật tội nghiệp, hai tay và gương mặt lở loét bốc mùi hôi thối, đôi chân cụt đến đầu gối, ông già lết lại đến gần ông Thập vừa thều thào vừa khóc:

“Con lạy ông! Ông làm ơn làm phúc bố thí cho con. Bốn ngày nay con chưa có gì vào bụng cả, con đói lắm ông ơi”

Ông Thập động lòng thương, ông cúi xuống gần cụ già hỏi thăm:

“Cụ gọi tôi là ông như thế tôi tổn thọ mất. Trời rét thế này mà cụ vẫn đi xin ăn sao?”

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x