
Thân Thế Và Sự Nghiệp Của Ngô Thì Nhậm – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Thân Thế Và Sự Nghiệp Của Ngô Thì Nhậm của tác giả Lâm Giang mời bạn thưởng thức.
1. TIỂU SỬ
Ngô Thì Nhậm 吳時任 sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần, tức ngày 25 tháng 10 năm 1746, tại làng Tả Thanh Oai, tục gọi là làng Tó, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, thuở nhỏ tên là Phó 付, sau đổi Nhậm 任, tự Hy Doản 希尹, hiệu Đạt Hiên 達軒, khi nghiên cứu Thiền học lấy đạo hiệu Hải Lượng 海亮 Ông đồ Tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), làm quan tới Đốc đồng Kinh Bắc, thăng Công bộ Hữu thị lang. Năm 1788, Ngô Thì Nhậm ra với nhà Tây Sơn và được Nguyễn Huệ trọng dụng, trao cho chức Thị lang Bộ Công, tước Tình Phái hầu晴派候, sau thăng Thượng thư Bộ Binh. Ông mất ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi (9-3-1803).
Dòng họ Ngô đến lập nghiệp tại Tả Thanh Oai đã nhiều đời, nhưng Ngô gia thế phả cũng chỉ coi từ đời cụ Phúc Cơ (Khoảng đầu thế kỉ XVI) là người mở đầu cho dòng họ Ngô tại Tả Thanh Oai. Tên thuy hiệu của cụ tổ đều không rõ, năm Giáp Ngọ, cháu đời thứ 12 là Ngọ Phong, họp họ, xin đặt thuy hiệu, tôn làm Triệu tổ (Ngô gia thế phả).
Đời thứ hai là cụ Mỹ Đức, giữ chức Cao Sơn cục chính trưởng.
Đời thứ ba là cụ Hoàng Nghị, tự Minh Dực tướng quân.
Đời thư tư là cụ Cẩn Tiết, Nho sinh trúng thức.
Bắt đầu từ đây dòng họ Ngô chia ra làm hai chỉ Giáp và chỉ Ất.
Ngô Thì Nhậm thuộc chi Giáp, và kể từ đời cụ Phúc Cơ thì ông thuộc đời thứ 13 của dòng họ.
Ngô Thì Nhậm là con trưởng của Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Ngô Thì Sĩ thuộc đời thứ 12, tên tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, biệt hiệu Nhị Thanh cư sĩ.
Ngô Thì Sĩ có tài, từ chương nổi tiếng, nhưng nhiều năm liền thi không đỗ, gia cảnh đã nghèo túng lại càng nghèo túng hơn. Đến khoa Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12 (1752), ông thi lại trượt, nhưng được Minh Đô Vương Trịnh Doanh mến tài cho làm một chức nhỏ Thiêm sai tri Công phiên ở Phủ Chúa. Năm này con trai đầu là Ngô Thì Nhậm đã 6 tuổi, chưa đi học. Nếu như người cha Ngô Thì Sĩ 7 tuổi đi học, 8 tuổi làm được văn, 9 tuổi biết làm thơ, 11 tuổi mồ côi cha theo học ông nội Đan Nhạc công, thì Ngô Thì Nhậm 7 tuổi cũng bắt đầu đi học, và đến năm 11 tuổi cũng được cụ nội là Đan Nhạc công (tức Ngô Trân) dạy bảo, và hai năm sau, năm 14 tuổi Ngô Thì Nhậm đã đọc thông các loại sách Kinh, Truyện, Sử và Tính lý, đến năm 16 tuổi (Tân Tỵ-1761), cụ nội Đan Nhạc qua đời, Ngô Thì Nhậm học với phụ thân. Vốn thiên tư thông minh, lại cần cù học tập, nên mới 16 tuổi Ngô Thì Nhậm đã soạn sách Nhị thập thất sử toát yếu. Có lẽ đây là sách chủ yếu dùng cho học tập. Năm 17 tuổi, sát hạch ở trường huyện hai lần đều đạt loại ưu. Cũng năm này mẹ ông qua đời, thọ 33 tuổi, để lại 5 người con, con trưởng Ngô Thì Nhậm, con thứ hai Ngô Thị Thục, sau lấy Tiến sĩ Phan Huy Ích, con thứ ba Ngô Thì Chí, con thứ tư Ngô Thị Viêm (có chỗ chép Ngô Thị Diễm), con thứ năm Ngô Thì Điện.
Đến năm Quý Mùi (1763), Ngô Thì Nhậm 18 tuổi, người cha Ngô Thì Sĩ được Chúa Ân Vương Trịnh Doanh, đặc cách cho tiến triều, trao cho chức Cấp sự trung Bộ Công, năm sau Giáp Thân (1764) trao chức Giám sát Ngự sử đạo Sơn Tây, không đầy vài tháng thăng làm Đốc đồng xứ Thái Nguyên (Hào mân ai lục). Từ đây gia đình Ngô Thì Sĩ mới dần dần thoát khỏi cảnh nghèo khó, và cũng năm này Ngô Thì Sĩ lấy vợ kế, bà đưa 4 người con chồng đến nhậm sở ở với chồng tại Sơn Tây, chỉ còn Ngô Thì Nhậm ở nhà với người vợ mới cưới là Ngô Thị Anh, tiếp tục học tập.
Đến năm Bính Tuất (1766), Ngô Thì Nhậm đã 20 tuổi, cùng với Lưu Hi Trí (người cùng ấp, đỗ đầu thi Hương khoa Ất Dậu) đến theo học thầy Đan Sĩ, là Tham chính Thanh Hoa, và cũng năm đó, Ngô Thì Sĩ thi đậu Hoàng giáp (khoa Bính Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 – 1766). Năm sau (Đinh Hợi 1767), Ngô Thì Nhậm 21 tuổi, soạn cuốn Tứ gia thuyết phả.
Đến năm Mậu Tý (1768), Ngô Thì Nhậm 23 tuổi, thi Hương đậu Giải nguyên, năm sau, Kỉ Sửu (1769), 24 tuổi, đỗ khoa Sĩ vọng, được bổ chức Hiến sát phó sứ Hải Dương (hàm Chánh thất phẩm). Ngô Thì Nhậm làm quan thanh liêm, giản dị, khi rỗi việc, mở lớp dạy học, học trò theo học rất đông (Ngô gia thế phả).
Năm Tân Mão (1771), Ngô Thì Sĩ làm Tham chính Nghệ An, Tư đồ Hoàng Ngũ Phúc ghen ghét, ghép ông vào tội gian lận ở trường thi hương, bị cách tuột chức tước mấy năm liền. Cũng năm đó, bà vợ kế của Ngô Thì Sĩ mất, khi ông còn đang ở Nghệ An. Mọi việc thuốc thang, rồi tang ma đều do Ngô Thì Nhậm lo toan. Bà sống với Ngô Thì Sĩ được 7 năm, để lại hai người con là Ngô Thì Trí và Ngô Thì Hoàng. Sau đó, Ngô Thì Nhậm, cũng xin cáo quan về nhà, với cái cớ sớm hôm phụng dưỡng cha, năm đó ông 26 tuổi.
Năm Nhâm Thìn (1772), Ngô Thì Nhậm dự khảo khoá ở Quốc TửGiám, đỗ hạng ưu, nhưng lấy lý do ốm, cố từ không ra làm quan. Năm ấy ông viết xong cuốn Hải Dương chí lược.
Năm Ất Mùi (1775), Ngô Thì Nhậm thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân, đứng hàng thứ 5, vừa tròn 30 tuổi, cùng đỗ khoa này còn có em rể của ông là Phan Huy Ích, và người cùng làng Nguyễn Nha. Sau khi thi đỗ ông được bổ làm Hộ bộ Đô cấp sự trung. Năm sau lại thăng Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, lại được bổ làm quan Giám khảo trường thi hương ở Hải Dương.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.