Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Thằng Thuộc Con Nhà Nông của tác giả Hồ Hữu Tường mời bạn thưởng thức.

Dời qua Cái Chanh, bà nội tôi, Lê Thị Thơm, đùm bọc một bầy con đông mà mấy đứa lớn thảy đều là gái, nên không mướn đất làm ruộng. Mẹ con sống bằng nghề xay lúa giã gạo mướn. Cũng may, trong vùng có nhiều nhà, vốn là con cháu của công thần Tây Sơn, không đầu Chúa Nguyễn, di cư vào Nam sanh sống. Đối với họ Hồ, họ sẵn có cảm tình, nên chia nhau đùm bọc. Một mẹ góa, tám con côi, tuy nghèo, song không đến nỗi đói rách. Cô lớn thứ tư lại được làm dâu cho một nhà khá giả họ Võ. Họ này nghe đâu cũng là con cháu của một công thần Tây Sơn, nên quí mến họ Hồ chúng tôi lắm.

Tía tôi, Hồ Văn Sây, lớn lên trong cảnh nghèo nàn và thất học. Từ nhỏ, ông được cả làng chú ý vì tánh tình ngay thẳng, cương trực, hiền lành và chẳng đam mê một tật xấu nào cả. Nhờ đó mà ông được chủ đất mướn coi quản gia, điều khiển một tốp bè bạn mấy chục người. Từ mười lăm tuổi, ông đã học chỉ huy những người lớn hơn mình và trở nên một người làm ruộng giỏi. Tuy là ở đợ, song ông không đến nỗi vất vả. Nhờ làm quản gia cho một nhà giàu có, ông thường thay mặt chủ mà giao thiệp rộng rãi và tỏ ra xuất sắc hơn những người đồng trang lứa. Bà chủ, người họ Võ có chồng Minh Hương, có nuôi một đứa cháu gái gọi bằng cô, mồ côi cha từ mười hai tuổi, mẹ đã tái giá. Bà thấy gả cháu mình cho người tánh tình tốt và có tài, mặc dầu nghèo, ắt cháu có hạnh phúc hơn là cho làm dâu nhà giàu mà phải chồng hư hỏng. Huống chi tía tôi là họ Hồ, có dính dấp bà con với Tây Sơn. Thế là má tôi, Võ Thị Nữ, con gái nhà giàu, mặc dầu là con nuôi, vào làm dâu cho họ Hồ, rời nhà cửa dọc ngang và ở nhà lá đơn sơ. Tía tôi thôi làm quản gia cho bà cô vợ, đứng ra mướn trăm công ruộng mà làm, trở nên một tá điền, mãi cho đến chết.

Hai ông bà sanh hai đứa con đầu lòng đều chết non. Đi chùa cầu tự mãi, má tôi mới sanh được hai anh tôi là Hồ Hữu Phú, kế đến hai chị gái là ThọLễ. Rồi bà nội tôi qua đời. Năm ấy phong trào Duy Tân phát triển mạnh ở vùng tôi, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng thạnh hành và đám con cháu của công thần Tây Sơn cũng hăng hái hoạt động. Bác chín tôi, Hồ Văn Nhu, lao mình vào phong trào trở nên một thủ lãnh của Thiên Địa hội. Chú út tôi, Hồ Văn Chánh, cũng hưởng ứng theo. Tía tôi trầm tĩnh hơn, tánh ưa phán đoán hơn mặc đầu vừa giúp cho phong trào ái quốc, song dè dặt. Tuy vậy, tía tôi được mọi người chú ý và tin cậy…

Những năm ấy, trong gia đình, sự hanh thông bắt đầu đến. Làm ruộng được trúng mùa liên tiếp. Phải cất thêm cái nhà dưới để chứa mới hết thóc, ghe bầu miền Trung vào đậu ngay dưới bến, đem thúng rổ cùng các sản phẩm đàng ngoài vào mà đổi thóc lúa; cũng thường đem những ông đồ ông lang theo tìm công ăn việc làm. Những ông này thích giao thiệp với tía tôi và ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng ông. Vốn không ưa dị đoan, bây giờ ông có thêm một lý thuyết để bác việc gõ mõ tụng kinh, việc vẽ bùa niệm chú. Và ông rất chuộng sự học. Anh Phú do đó mà được cho đi học chữ Nho nơi ông chủ ở làng, nhà cách nhà tôi cả hơn hai cây số, trong lúc cả xóm không ai đi học.

Tía tôi cưng con lắm, và cũng săn sóc con. Nên đêm nào ông cũng ngồi quạt muỗi cho anh Phú, học tất cả bài vở của con, lâu ngày chầy tháng hóa ra biết chữ và đọc sách đọc truyện. Ông cũng được cử ra làm hương chức ấp được ít khóa. Về sau, ông chỉ lãnh một vai trò hương văn mà tham gia vào việc lễ thần mà thôi…

Về mặt tôn giáo, ông giữ kỹ đạo thờ ông bà. Ông tin có thánh thần song không chịu việc cúng tế, lấy cớ rằng bực thánh thần không lẽ dung tha sự hối lộ mà ăn của lo lót. Vì vậy mà ông kịch liệt chống đối thầy phù thủy và đồng bóng, mặc dầu ông nội tôi xưa kia làm thầy có tiếng. Đối với đạo Phật, ông kính Phật mà không ưa thầy chùa, cho rằng thầy chùa đáng lẽ làm cho nhiều để bố thí cho chúng sanh, thì trái lại thọ hưởng cúng dường của chúng sanh mà chịu sự bố thí. Riêng đối với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, ông có chút cảm tình, vì đạo nầy không chấp việc cúng kiến và tụng kinh. Song ông vẫn không theo, cho đến ông gần chết mới thượng trần điều. Lúc chưa sanh ra tôi, vào ngày mùng một Tết, ông nằm chiêm bao thấy một ông già khuyên ông nên tu. Từ ấy mỗi mồng một Tết ông ăn chay một lần, cho rằng tu như vậy là đủ rồi.

Ông thường giao thiệp với những người có học thức trong làng và được người cùng xóm kính nể. Ai có điều gì thắc mắc thường đến hỏi ý kiến nơi ông. Những việc tranh chấp lặt vặt, người ta hay nhờ ông giải quyết giùm, vì ông cư xử rất công bằng. Có điều là ông rất nghiêm đối với con, cháu. Đứa nào làm lỗi thì ông trị thẳng tay. Cách ông trị con rất đặc biệt. Khi mình lầm lỗi, ông ít khi kêu cúi xuống mà đánh liền. Ông chỉ nói vạch cho mình thấy rằng mình lỗi. Rồi sau đó, đợi mọi việc nguôi ngoai, ông mới kêu nhắc lại, rồi sau lời buộc tội, ông bắt mình đánh giá coi tội ấy phải xử cách nào mới xứng đáng. Thành ra cuộc trừng phạt hóa ra một cuộc đấu lý kéo dài cả giờ đồng hồ. Kẻ bị tội ít sợ mấy roi đánh vào mông hơn là cuộc đấu lý ấy.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x