Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Thay Mẹ Cha Gánh Vác Sơn Hà của tác giả Đoàn Công Lê Huy 

Tết ni Huế có mưa?

Về xứ Huế người ta hay nhớ mưa.

Đường về xứ Huế ngã mô

Đâu chùa Thiên Mụ đâu hồ Tịnh Tâm

Còn đâu những buổi mưa dầm

Ngày ngày đi học âm thầm đội mưa…(1)

Nơi xa, gặp bạn Sài Gòn, người ta hỏi Sài Gòn giờ còn đông vui không, kinh tế đô thị ra sao?

Còn gặp bạn Huế, người ta thường chỉ hỏi Huế chừ mưa hay nắng.

Ở Huế bây giờ mưa nhiều không em?

Hoa phượng rơi trên mái tóc mềm…

Vì ở vị trí đặc biệt, cố đô của triều đại nhất thống toàn cõi, mỗi khi động gió phương Bắc là Huế đổ mưa.

Huế nhạy cảm lắm, đôi khi gió chưa tới mà mưa đã đầy trời.

Khi Hà Nội lạnh trong mùa khô ráo và nắng đẹp, Huế vào mùa lạnh kèm “khuyến mại” mưa. Cứ như vậy suốt cả mùa đông.

Mưa triền miên, mưa trắng đất trắng trời.

Ông tôi kể, kỉ lục có lần mưa mười lăm ngày liền không nghỉ.

Nên học trò Huế tội lắm.

Có cái áo mới cứ lo sợ Tết mưa. Mưa thì mang tơi đội nón phủ lấp bên ngoài, ai chộ ai biết, còn chi là áo mới.

Mưa thì lạnh, mạ bắt mặc thêm cái áo len cũ sờn đã thủng khuỷu tay thì còn chi áo đẹp bên trong.

Có những đợt gió mùa Đông Bắc bổ sung liên tiếp làm Huế cứ mưa hoài mưa hủy, học trò ngồi bó gối nghĩ mông lung.

Đàm ra, người Huế hay mơ mộng cũng là vì vậy.

Mưa làm thối những củ sắn. Rồi thối tiếp những củ khoai. Rồi thối cả đất. Mưa thối đất chỉ có ở Huế.

Những người già vàng cả tay vì hơ bếp lửa chống rét. Quần áo không thể phơi mà phải hong. Hong trên lửa nên ám mùi khói.

Chén cơm cũng ám mùi khói vì rơm rạ ướt, củi ướt.

Bầy gà cũng ướt sệ cả cánh bên hiên nhà.

Ra Giêng, khi trời đã tạnh ráo, người con đi học xa trở về, đứng thổn thức giữa sân nhà rêu phủ.

Bởi anh biết mẹ đã qua thêm một cái Tết cô độc nhiều mưa trong ngôi nhà vắng…

May làm sao và dễ thương biết mấy, kí ức Huế mưa buồn của những 6x, 7x giờ đã xưa rồi Diễm.

Thật là “sến” với những cảm xúc mềm yếu, bế tắc. Những 8x, 9x(1) của xứ Huế hôm nay mang hơi thở mạnh mẽ của thời đại. Họ tiếp tục sống trong điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nhưng đã biết lạc quan tin tưởng và hăng hái cải tạo cuộc sống ngay cả trong không gian buồn của mùa mưa dầm.

Khi năm cũ đi qua, các bạn Huế hay cầu chúc cho bè bạn và quê hương mình một mùa xuân an lạc và năm mới thịnh vượng.

Và đôi khi, họ cũng… chúc thêm: Tết ni Huế đừng mưa! Hãy cho phép tôi được cầu chúc như thế cùng bạn nhé!

Tết Nguyên đán và lễ Tạ ơn

Bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, mẹ tạ ơn ông Công ông Táo bằng một con cá chép về trời, khởi hành từ… hồ Giảng Võ.

Chiều 29 Tết, cô bác “rửa tay gác kiếm”, dù có ai thuê mướn giá cao cũng không làm, cuốc xẻng nằm yên trên chái bếp nghỉ ngơi đến ra Giêng.

Ngày mồng Một Tết kiêng quét nhà. Là để tạ ơn sức lao động của con người đã quanh năm quần quật.

Mẹ mua cho em manh áo mới, để “tri ân” con gái mẹ vượt qua sài đẹn, lớn nhanh hơn tuổi và không còn vừa manh áo cũ, đủ sức ghé vai giúp mẹ việc nhà.

Chúng ta lì xì cho nhau những phong bao, để tạ ơn thần tài sẽ cho ta thịnh vượng.

Phố xuân được bày hoa, để cảm tạ những con đường trải mình cho ta bước qua mỗi sớm mỗi chiều.

Trước thềm Nguyên đán, người ta xí xóa lỗi lầm của bạn bè năm cũ, người ta ân giảm hình phạt cho kẻ tù tội, còn bà con thì được du di nợ nần.

Tạ ơn tết Nguyên đán về cho tình đời ấm áp.

Ngày 30 mẹ cúng mâm cơm đón ông bà về ăn Tết. Cảm tạ ông bà tổ tiên phù hộ sức khỏe một năm đã qua.

Mẹ đốt biếu cụ một cái cối giã trầu. Mẹ đốt biếu ông nội một bộ com lê, một cái đài sóng ngắn năm xưa ông hay áp tai ngóng đợi tin tức hòa bình.

Mẹ cảm tạ ông bà tiên tổ truyền lại cho mẹ một gia đình nho nhỏ hôm nay.

Sáng mồng Một Tết em đi lễ chùa, em cảm tạ Phật, Pháp, Tăng dạy em biết yêu thương mà không khổ đau trong hai chữ “từ bi”, giúp em tỉnh thức để biết khoan dung, để sống cùng, sống với.

Ngày mồng Hai em đi lễ thầy, cảm tạ người vỡ lòng cho em, để em bước chân vào một thế giới khác có trăng có sao, có định luật định lí, có chuyển động dần đều, có phép cộng phép trừ và có vô cùng những điều kì diệu.

Ngày mồng Ba mẹ cúng mâm cơm lạy tạ thổ thần, khai canh, khai khẩn, cho ta đất đai vườn tược.

Ngày mồng Bốn mẹ cúng mâm cơm hóa vàng, cảm tạ ông bà hiện diện trong không gian ấm cúng ba ngày Tết, tiễn đưa ông bà về lại thế giới an nghỉ vĩnh hằng.

Rồi Giêng Hai,(1) rồi đua thuyền tạ ơn dòng sông, cầu ngư tạ ơn biển cả…

Rồi em trở lại lớp học, tạ ơn sân trường hạnh phúc lao xao.

Người văn minh là người biết nói cảm ơn Dân tộc Việt văn minh khi ngày tết Nguyên đán cũng đồng thời là lễ Tạ ơn. Tạ ơn đời, tạ ơn người.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x