
Thế Giới 5000 Năm Những Điều Bí Ẩn – Đọc sách online
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Ẩn dưới lớp bụi thời gian của 5000 năm lịch sử, có biết bao nhiêu bí mật, những bí ấn trên khắp hành tinh này.
Cuốn sách “Thế Giới 5000 năm những điều bí ẩn” sẽ hé mở rất nhiều kiến thức cũng như những bí mật lịch sử trên khắp thế giới mà bạn chưa biết. Con người dù ở thời đại nào cũng luôn quan tâm tìm hiểu, lý giải những bí ẩn của tự nhiên, xã hội và đời sống của con người trong quá khứ để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Nội dung của cuốn bách khoa lịch sử này, được chia thành 9 phần chính, trong các phần lại được chia thành nhiều chương khác nhau tổng hợp một lượng lớn các thông tin liên quan tới nhiều sự kiện lịch sử, các bí mật về những danh nhân nổi tiếng, những bí ẩn trên khắp hành tinh.
Cuốn sách được soạn thảo công phu, trình bày hệ thống, giàu tính thông tin, khoa học, mang giá trị thực tiễn, hấp dẫn và lý thú.
Chương I: Bí mật cung đình
Pharaông Tutan Khamôn tại sao lại bị chết sớm?
Pharaông Tutan Khamôn là con rể của Pharaông Akhenatôn và Hoàng hậu Nigurtiti nổi tiếng ở Ai Cập. Akhenatôn chấp chính được 20 năm thì qua đời, Tutan Khamôn kế thừa ngôi báu. Khi lên ngôi, Khamôn mới lên 9 tuổi, đã lấy một người vợ tên là Ankasun Batđôn hơn Khamôn ba, bốn tuổi, sau đó tiếp tục lấy con gái thứ ba của Akhenatôn. Tutan Khamôn chấp chính được khoảng 10 năm thì mất, khi ấy Khamôn mới 18, 19 tuổi. Ông chết đúng độ tuổi trưởng thành, khiến cả nước Ai Cập bàn tán xôn xao, song trong sách sử lại ghi chép rất ít về Khamôn, lăng tẩm của Khamôn vẫn chìm trong lớp đất dầy, không ai hay biết ở đâu.
Năm 1922, nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của các nhà khảo cổ học, lăng tẩm của Khamôn mới được khai quật. Ngôi mộ được kiến trúc rất hoàn chỉnh và xa hoa lộng lẫy đã làm chấn động giới khảo cổ, một Pharaông Tutan Khamôn tĩnh lặng trong lòng đất bỗng chốc được giới học giả chú ý đến, đặc biệt là cái chết của Khamôn đã được rất nhiều học giả nghiên cứu phỏng đoán nguyên do.Việc phát hiện ra lăng mộ Khamôn là cực kỳ vất vả và tốn kém. Nguyên do là vì, bắt đầu từ vương triều thứ 18 ở Ai Cập, để tránh bị “bọn trộm” hậu thế đào bới, các đời Pharaông bắt đầu tách riêng thành hai khu: khu cung điện và khu lăng mộ. Tại thủ đô Cairô, đối diện với bờ sông Nin, tức là trong thành Vong Linh, họ xây dựng cung điện cho riêng mình để ăn chơi hưởng lạc. Còn khu lăng mộ được xây dựng ở một hẻm núi hoang vu nằm ở phía bắc thành Vong Linh (Wangling), được giữ bí mật không ai biết. Lúc bấy giờ vào khoảng năm 1500 trước công nguyên, đến khoảng 500 năm sau có 30
Pharaông được chôn cất tại đây. Song nơi đây cũng không tránh khỏi bọn trộm đào bới, có không ít di hài của các Pharaông bị lật tung. Đến vương triều thứ 21, đại bộ phận số lăng mộ ở đây đều bị đào bới. Lúc bấy giờ, trong cơn tức giận, có một Pharaông đã qui tập 13 di hài Pharaông đã bị lột áo quan, hợp táng vào trong khu lăng mộ của Amen Hôtơpu đệ nhị; sau đó lại chuyển tiếp các bộ di hài khác chuyển táng tại khu mộ hoàng hậu AstenHaipu. Toàn bộ số lăng mộ này nằm im dưới lòng đất ba ngàn năm. Mãi về sau, một nông dân nghèo người ả Rập Xêut ngẫu nhiên phát hiện ra khu lăng mộ chôn cất hoàng hậu Asten Haipu, thế là khắp nơi dấy lên phong trào khai quật lăng mộ cổ, tiếp theo phát hiện ra 13 bộ di hài Pharaông được chôn cạnh khu lăng mộ Amen Hôtơpu đệ nhị. Đến năm 1902, một tỷ phú người Mỹ tên là Đauýt tài trợ kinh phí cho các nhà khảo cổ tiến hành khai quật khu lăng mộ này. Đến năm 1905 lại phát hiện ra khu lăng mộ Pharaông Aken Nateng và Halimu
Hatbo. Tại một hang động gần đó, phát hiện thấy một số đồ vật có khắc tên Tutan Khamôn và tên hoàng hậu. Đến nay, các nhà khảo cổ nhận định, toàn bộ lăng mộ ở đây đã được phát hiện, trong đó có cả lăng mộ của Tutan Khamôn.
Song nhà khảo cổ học người Anh là H. Katơ lại không cho là như vậy, ông cho rằng lăng mộ của Tutan Khamôn vẫn chưa bị phát hiện, bởi vì các mảnh vỡ có khắc tên Tutan Khamôn và hoàng hậu tìm thấy trong hang động còn quá nhỏ nhặt tầm thường, không tương xứng với lăng mộ của Pharaông, hơn nữa vẫn chưa tìm thấy quan quách lưu giữ thi hài Pharaông Tutan Khamôn.
Thế là đến năm 1917, được bá tước Kânpen tài trợ, H. Katơ bắt tay vào tìm kiếm lăng mộ Tutan Khamôn. Ông khảo sát một cách rất hệ thống toàn bộ khu lăng mộ, duy chỉ có một khu bãi đá là không khai quật, bởi vì trên bãi đá này có dựng một số nhà ở tạm cho số công nhân do H. Katơ thuê tìm kiếm lăng mộ khu này chưa được đào bới, chỉ đào bới ở xung quanh, vất vả trong 6 năm liền mà không thu được kết quả gì. Đúng trong lúc tuyệt vọng, lan truyền tới một tin khiến ai nấy đều phấn chấn: qua giám định các đồ vật đã được khai quật từ năm 1907, các học giả đã xác định, các đồ vật đó chính là đồ vật sinh thời Tutan Khamôn đã dùng. Trước khi tổ chức lễ an táng trọng thể, các đồ vật này đã được ban tổ chức tang lễ đem ra dùng, điều đó chứng tỏ, lăng mộ của Tutan Khamôn cách khu vực phát hiện được đồ vật không xa. Thế là họ lại bắt tay vào khai quật khu vực dựng lều. Chính nơi đây họ đã tìm thấy lăng mộ của Tutan Khamôn. Tuy “bọn trộm” trước đây đã thò tay tới đây, đã phá hỏng một số cấu trúc ở khu mặt tiền lăng mộ, song toàn bộ quan quách bảo quản thi hài vẫn còn nguyên vẹn. Tới đây mới thực sự coi công việc khai quật đã hoàn tất, lăng mộ Tutan Khamôn thực sự đã gây một tiếng vang lớn trong giới khảo cổ học.
Di hài Tutan Khamôn được bảo quản trong một quan tài có rất nhiều lớp gỗ, lớp gỗ ngoài cùng sơn son thếp vàng, lớp gỗ trong cùng được dát một lớp vàng ròng. Khi lớp vải phủ mặt Tutan Khamôn được vén lên, mọi người đều kinh ngạc khi nhìn thấy phía dưới vành tai trái của Khamôn có một vết thương chí mạng, chính vết thương này có liên quan đến cái chết trẻ của Khamôn, liệu có phải Khamôn bị mưu sát? Ai là hung thủ?
Trong sách sử không có ghi chép gì, chúng ta chỉ biết rằng, Khamôn kế vị còn rất trẻ, đã được lão thần của Akhenatôn là Ayi giúp đỡ cùng chấp chính. Năm 1954, Canơkhơ phát hiện thấy trên một tấm bia đá có viết Ayi cùng tham gia chấp chính với Tutan Khamôn. Sau đó lại phát hiện trên một chiếc vòng trang sức có khắc tên của Ayi và tên của Ankasun Batđôn. Ankasun Batđôn là người vợ thứ hai của Khamôn ở vậy không đi bước nữa, các nhà lịch sử học dựa vào đây suy đoán Ayi đã lấy người vợ đầu của Khamôn, song thực tế thế nào, không ai rõ. Ngoài ra, theo thứ bậc dòng họ mà sách sử đã ghi chép, ta mới biết được có một hoàng hậu Ai Cập – khả năng đó là quả phụ của Khamôn, hoàng hậu từng gửi một bức thư cho quốc vương của dòng họ
Hơthi, thỉnh cầu được kết hôn với một trong số con trai của quốc vương, đồng thời còn nói rằng bà ta sẽ cố gắng giúp con trai của quốc vương Hơthi trở thành một Pharaông Ai Cập. Quốc vương Hơthi thận trọng trả lời, hỏi rằng con trai của mình sẽ được làm Pharaông ở khu vực nào. Hoàng hậu Ai Cập viết tiếp một bức thư nữa, nói rằng quốc vương Ai Cập không có con trai, yêu cầu Hơthi cho con trai của mình tới, song con trai của quốc vương Hơthi bị quân đội của Ai Cập phục kích ở Syrie giết chết. Cuối cùng lão thần Ayi kế thừa vương vị, chứ không phải là một người trong vương thất kế ngôi. Vậy thì, cái chết của Khamôn liệu có phải có liên quan tới lão thần Ayi?
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.