Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Mọi nỗi buồn rồi cũng đi qua, mọi vết thương cuối cùng rồi cũng khỏi, nhưng thời gian chờ đợi vết thương lành thì không đơn giản. Và dù người bị thương được bác sĩ chăm sóc, an ủi và kê đơn thuốc, thì người ấy vẫn tự hỏi lòng: “Bao giờ mình mới hết đau?”.

*

Hạc không phải là cô gái xấu xí. Trái lại, cô sở hữu một vẻ mặt thánh thiện, đôi mắt to tròn, nước da trắng xanh, mái tóc ngang hông đen nhánh. Tôi nghĩ cô mới chỉ hai mươi, trong khi thực tế cô đã ba mươi tuổi rồi. Một phụ nữ ba mươi tuổi yêu hoa hồng và luôn tin mình là một con chim cánh cụt.

Khi tôi gặp Hạc, cô đang ngồi ngắm một đàn kiến. Đàn kiến đen băng qua kẽ tường, hối hả, và ngoài trời mưa đổ hết trận này sang trận khác.

Tôi đã trở về thăm lại ngôi nhà cũ của Phố trước khi đến Cẩm Xuyên. Vẫn còn đàn kiến đen năm xưa, với cuộc hành trình bất tận từ trên nhà xuống bếp trên con lộ khe tường đã nhẵn đến mức không một thân rêu nào mọc nổi. Tôi tin rằng đó là đàn kiến mà khi còn nhỏ, mỗi lần tôi sang chơi với Phố, hai chúng tôi lại chăm chỉ đập chết ruồi biếu chúng làm quà. Có thể tuổi đời của kiến không cao đến vậy, những con kiến này là hậu duệ của những con kiến ngày xưa, và hẳn nhiên là chúng chẳng quen biết gì tôi. Vì nhiều năm rồi, tôi đã là một cô gái trưởng thành, rong ruổi khắp phương trời với chiếc ba lô cũ kĩ trên vai, cuốn sổ nhỏ và những tản mạn đầy mặc cảm về những miền đất mà tôi đã đi qua.

Để rồi một hôm, tôi trở về ngôi nhà, đứng trước cánh cửa cũ mủn vì mưa nắng, mà cả cái mùi ẩm mốc cũ kĩ toát ra lạnh lẽo từ những đồ vật cũ không còn hơi ấm những người chủ cũ, nhìn đàn kiến như thể ngày xưa vẫn mê mải chạy tới chạy lui ở khe tường. Tôi nhớ tuổi thơ với những kỉ niệm miên man và buồn bã.

Phố bảo sẽ không bán ngôi nhà cũ, dù có thời kì những cơn sốt đất sầm sập chạy qua làng. Ngôi nhà chứa trong nó quá nhiều nỗi buồn.

Tại sao Phố không bán?

Phố không trả lời.

Tôi không biết lúc đó Phố nghĩ gì. Tôi cũng không muốn biết. Một nỗi buồn len khẽ vào lòng khi Phố ôm tôi thật chặt. Không hiểu tại sao khi ở bên nhau tôi lại có cảm giác đó. Hay là vì những kỉ niệm tuổi thơ giữa chúng tôi giống như cánh cửa kia, khép kín và chẳng hứa hẹn khi nào hé mở, và chìa khóa, có khi đã hoen gỉ dưới đáy một dòng sông thẳm sâu nào đó lâu rồi.
Mười tuổi, tôi được bố mẹ gửi về quê nội. Quê nội có một dòng sông trong vắt, đôi bờ nở trắng hoa hồng dại.

Bố không muốn gửi tôi về quê nội. Bố bảo tôi là một đứa bé trầm lặng, khó gần, ở quê nội, khi tôi đi học với những đứa trẻ đồng quê, sự xa cách của tôi khiến chúng có thể làm tôi tổn thương.

Mẹ lại thực tế hơn. Mẹ bảo với khả năng kinh tế của hai người làm công nhân một nhà máy chè đang chung chiêng giải thể thế này, bố mẹ không thể nuôi ba chị em tôi tốt được. Quê nội giống như một thảm cỏ xanh mát với bầu trời thoáng đãng, sẽ dung dưỡng tâm hồn một bê non ngơ ngác như tôi một cách tốt nhất.

Các cô giáo của tôi lo ngại, và họ thực sự quan tâm đến tôi theo cách họ cho là tốt nhất. Họ nói với bố mẹ tôi tất cả những gì họ chứng kiến. Rằng tôi không hề nói chuyện với bạn bè cùng lớp. Tôi nhìn thế giới đang diễn ra với đôi mắt thờ ơ. Đôi khi tôi nhìn những cuộc vui như đứa trẻ bị bỏ đói lâu ngày bên bữa ăn thịnh soạn đang bày ra trước mặt, nhưng tôi không bao giờ tham gia những cuộc vui đó lâu được. Luôn là chỉ trong chốc lát, tôi tìm cách trở lại chỗ ngồi quen thuộc, cách xa và mơ về một thế giới khác.

Mẹ có vẻ đau lòng vì tôi. Mẹ trách mình quá bận rộn, không có thì giờ quan tâm đến tôi, rằng mẹ đã vô tâm đến nỗi không biết một đứa trẻ từ một đến mười tuổi thì nghĩ gì. Trẻ con không phải thời nào cũng giống nhau, và không phải đứa trẻ nào cũng giống đứa trẻ nào. Trong khi đó, tôi lại là một đứa trẻ khác biệt. Tôi không thích nói chuyện và không thích chơi đùa. Và như chuyện xảy ra ở lớp mẫu giáo, cô giáo cho chúng tôi bế một em búp bê biết nhắm mắt nếu đặt nằm và mở mắt nếu dựng dậy, một em búp bê khác biết cười, trong khi những bạn khác thích thú với em búp bê phát ra tiếng cười, thì tôi khóc nức nở.

Bố có một chiếc đài lắp chạy bằng pin con thỏ. Mỗi lần đài nói bé đi, tiếng nói khọt khẹt như người cảm cúm bị tịt mũi, nghĩa là pin đã yếu. Để hồi pin, bố phơi pin ra nắng, từ trưa tới chiều, lắp vào và đài lại nói tiếng thật to, rổn rảng.

Tôi hỏi bố rằng ai đã nói trong đài vậy?

Bố bảo đó là những người ở trong đài.

Tôi ngồi nhìn chiếc đài, và tưởng tượng những người ở trong đài bé xíu, họ cũng giống như những người ngoài đời thực, cũng mặc quần áo như bố mẹ khi đi làm, cũng có em bé và đưa chúng đi nhà trẻ, cũng nấu ăn và chuyện trò.

Tôi hoàn toàn đau khổ khi đài hỏng và bố tháo tung nó ra, trước chiếc đài bị tháo tung, không hề có một con người tí hon nào trong đó cả, tôi đã có cảm giác mình bị lừa dối.

Đó có phải là tổn thương đầu tiên tôi gặp trong đời và nó dữ dội đến nỗi tôi từ chối tiếp xúc một cách bình thường với mọi người không? Tôi không biết.

Khi tôi gặp Phố lần đầu tiên.
Nhà Phố kế bên bờ rào nhà bà nội tôi. Nhà Phố và nhà bà nội được cách ngăn bởi một bờ rào cây ô rô.

Trước ngõ nhà bà nội rợp bóng cây. Bà nội trồng chúng từ thuở xa xưa nào đó. Cây hồng bì, cây ổi, cây na, cây mít, cây xoài. Tất cả chúng đều già, nhưng xanh tươi và tỏa bóng.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x