
Thiền Là Một Nhành Hoa – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Thiền Là Một Nhành Hoa của tác giả Niêm Hoa Vi Tiếu
2. BA CẢNH GIỚI CỦA THIỀN TÔNG
Thiền sư chia cảnh giới lĩnh hội ra làm ba tầng, cảnh giới thứ nhất là “Lá rơi đầy núi trống, tìm dấu vết nơi nào”, chỉ tình cảnh khổ sở tìm kiếm bản thể của thiền mà không được.
Cảnh giới thứ hai là “Núi trống không người, nước chảy hoa nở”, chỉ cảnh đã phá bỏ được chấp pháp và chấp ngã, tưởng như ngộ đạo mà lại chưa từng ngộ đạo.
Cảnh giới thứ ba là “Vạn cổ trường không, nhất triều phong nguyệt”[*], tức chỉ đạt được vĩnh hằng trong chốc lát, không ràng không buộc.
Tô Đông Pha có ba bài thơ thất tuyệt có thể dùng để nói rõ sự tâm đắc đối với ba quá trình “trước khi tham thiền”, “trong khi tham thiền” và “sau khi tham thiền ngộ đạo”.
Cảnh giới của trước khi tham thiền là:
Nhìn ngang thành dẫy, nghiêng thành ngọn,
Cao thấp xa gần sẽ khác ngay;
Hình dáng Lư Sơn không thấy thật,
Chỉ vì thân giữa núi non này.[*]
Điều tâm đắc trong khi tham thiền là:
Khói tỏa Lư Sơn, sóng Chiết Giang,
Khi chưa đến đó luống mơ màng;
Đến rồi, hóa cũng không gì lạ,
Khói tỏa Lư Sơn, sóng Chiết Giang.[*]
Tâm cảnh sau khi tham thiền ngộ đạo là:
Suối reo vẫn Pháp âm bất tuyệt,
Màu non kia Chân thể Như Lai;
Đêm đó tám vạn bốn nghìn kệ,
Ngày sau nói lại làm sao đây?[*]
Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín đời Tống còn bộc trực hơn, ông nói: “Ba mươi năm trước khi lão Tăng còn chưa tham thiền, nhìn núi là núi, nhìn sông là sông; cho tới sau này, tiếp cận tri thức, có môi trường giác quan[*], nhìn núi không phải là núi, nhìn sông không phải là sông; tới nay giác ngộ, lại giống trước kia nhìn núi chỉ là núi, nhìn sông chỉ là sông.”
Nhìn núi là núi nhìn sông là sông, tức u mê với cảnh giới của thế tục ngoại vật; nhìn núi không phải là núi, nhìn sông không phải là sông, là sự phủ định đối với thế tục, là sự cố chấp với Phật pháp; nhìn núi chỉ là núi, nhìn sông chỉ là sông, tức ông đã hoàn toàn ngộ được tính không của Phật pháp, buông bỏ sự cố chấp đối với Phật pháp, cũng là cảnh giới phủ định của phủ định, đó mới là sự giải thoát thật sự, lĩnh ngộ được chân ý của Phật pháp.
Thiền Ngẫm:
Mấy câu trong Nhân gian từ thoại[*] của Vương Quốc Duy[*] vừa khéo lại có điểm tương đồng với cách diễn giải về ba loại cảnh giới của Thiền sư Thanh Nguyên Duy Tín:
“Đêm qua gió thổi lá rụng đầy,
Độc bước lầu cao,
Ngóng tận chân trời.”[*]
Chữ “độc” (nghĩa là cô độc một mình) ở đây đã nói hết được sự gian khổ của kẻ kiếm tìm;
“Đai áo dần rộng chẳng hối tiếc,
Vì chàng thiếp nguyện một thân gầy.”[*]
Là sự miêu tả chân thực dành cho người đang nỗ lực.
“Tìm kiếm bóng nàng giữa đám đông,
Giật mình ngoảnh đầu,
Người đứng đó từ lâu giữa lửa đuốc điêu tàn.”[*]
Chưa từng trải qua hai cảnh giới đầu tiên, thì không thể đạt tới sự “trở về nguyên trạng” của cảnh giới thứ ba.
3. PHẬT THÍCH CA BÀN VỀ NGỰA
Một hôm, Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi trong tịnh xá Trúc Lâm[*] ở thành Vương Xá[*], chúng đệ tử đi khất thực lần lượt quay về tịnh xá, người nào người nấy trông đều uy nghi, khoan thai bình thản. Chúng đệ tử lẳng lặng đi tới bên hồ nước, gột sạch đất bụi bám ở gót chân, sau đó ngồi ngay ngắn trên ghế, đợi sự khai thị của Phật Thích Ca.
Phật Thích Ca ngồi kiết già, từ bi nói:
“Trên thế giới này có bốn loại ngựa: loại thứ nhất là ngựa tuyệt hảo, chủ nhân đóng yên, lồng hàm thiếc và dây cương, nó có thể ngày đi ngàn dặm, lướt nhanh như sao băng. Điều đáng quý hơn cả là, khi chủ nhân vung roi lên, nó chỉ cần nhìn thấy bóng roi liền hiểu tâm ý của chủ nhân, thong thả chậm dần, tiến trước lùi sau, đều có thể đoán trúng, không sai một ly một lai. Đây chính là loại ngựa tuyệt hảo hạng nhất, có thể hiểu ý chủ nhân tường tận chân tơ kẽ tóc.
Loại thứ hai là ngựa tốt, khi chiếc roi của chủ nhân phóng tới, nó nhìn thấy bóng roi, lại không thể cảnh giác ngay. Nhưng khi roi sượt qua đám lông đuôi, nó đã hiểu được ý của chủ nhân, tăng tốc như bay, như thế cũng có thể được coi là một con ngựa tốt có phản ứng nhanh nhạy, bước chân mạnh mẽ.
Loại thứ ba là ngựa thường, cho dù chủ nhân có vung roi lên bao nhiêu lần, nó nhìn thấy bóng roi, không những không hề phản ứng, thậm chí roi quất lên da lông vun vút như mưa rơi, nó vẫn câm lặng ơ hờ, phản ứng chậm chạp. Tới khi chủ nhân nổi giận, roi gậy thay nhau vụt lên da thịt nó, lúc ấy mới bắt đầu có phản ứng, phi nước đại thuận theo ý chủ nhân, đây là loại ngựa thường, nhận thức trì trệ.
Loại thứ tư là ngựa tồi, khi chủ nhân vung roi lên, nó nhìn như không thấy; roi gậy quất lên da thịt, nó vẫn hoàn toàn không hay; cho tới khi chủ nhân tức giận cực độ, nó mới như vừa tỉnh mộng, phóng chân lao tới, đây đúng là loại ngựa tồi ngu dốt vô tri, xuẩn ngốc không thể cảm hóa.”
Phật Thích Ca nói tới đây thì đột nhiên dừng lại, ánh mắt hiền hòa nhìn lướt chúng đệ tử một lượt, thấy dáng vẻ chăm chú tập trung của họ, vô cùng hài lòng, tiếp tục nói bằng giọng trang nghiêm nhưng hòa nhã:
“Các con! Bốn loại ngựa này ứng với bốn kiểu chúng sinh khác nhau. Kiểu người thứ nhất, nghe nói thế gian có những hiện tượng vô thường biến dị, sinh mệnh có hoàn cảnh đọa lạc sinh diệt, bèn sợ hãi cảnh giác, ra sức siêng năng, nỗ lực tạo ra một sinh mệnh hoàn toàn mới. Giống như loài ngựa tuyệthảo thứ nhất, nhìn thấy bóng roi liền biết phải lao đầu chạy về phía trước, không đợi tới lúc chiếc roi chết chóc kia quật xuống thân mình, phải bỏ mạng mất thân thì hối hận cũng không kịp nữa.
Kiểu người thứ hai, nhìn thấy thế gian hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết, thấy cảnh lên lên xuống xuống, xâm phạm bức áp vô thường của đời người, cũng kịp thời thúc ép bản thân, không dám chần chừ chậm trễ. Giống loại ngựa tốt thứ hai, roi mới đánh lên da lông đã biết phải tung vó mà chạy.
Kiểu người thứ ba, nhìn thấy cảnh bạn bè người thân của mình trải qua sự giày vò của cái chết, da thịt bị hủy hoại, thấy cuộc đời khốn cùng nghèo khổ, tận mắt chứng kiến nỗi đau cốt nhục biệt ly, mới bắt đầu rùng mình sợ hãi, đối xử tử tế với cuộc đời. Giống loại ngựa thường thứ ba, phải nếm sự đau đớn của gậy roi quất vào da thịt, mới bừng tỉnh ngộ.
Còn kiểu người thứ tư, bản thân bệnh tật giày vò, tứ đại[*] ly tán, như ngọn nến tàn trước gió, lúc đó mới hối hận sao lúc đầu không kịp thời nỗ lực, để tới nỗi uổng phí một chuyến dạo chơi tới nhân gian. Giống như loại ngựa tồi thứ tư, chịu nỗi đau thấu xương thấu tủy, mới biết phải tung vó mà chạy. Nhưng, tất cả đã quá muộn rồi.”
Thiền Ngẫm:
Ngựa hay không cần roi thúc, đừng đợi roi quật xuống người mình rồi mới biết nỗ lực chăm chỉ.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.