Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Nhắc bài bằng điện báo.

Hai chị em Ta-ni-a cùng học một lớp ở trường tiểu học Po Hu-rôn.

Một hôm, cô giáo Hô-uất gọi Ta-ni-a lên bảng đọc bài địa lý. Cô hỏi Ta-ni-a:

– Bắc Mỹ có bao nhiêu bang?

– Bắc Mỹ có ba mươi ba…

– Bao nhiêu?…

Ta-ni-a ngắc ngứ mãi rồi nói “mười bảy”. Nhưng vừa nói xong là em biết ngay là mình lầm nên vội vàng đưa mắt cầu cứu Tôm. Cậu em vội vàng mở vở địa lý ra xem rồi nhắc chị, nhưng nhắc bằng một cách rất độc đáo: cậu gõ đầu bút chì xuống bàn khi mau khi chậm theo quy định của tín hiệu moóc-xơ. Thế là Ta-ni-a trả lời trôi như cháo chảy. Từ đó hai chị em nhắc nhau bằng cách ấy. Tụi bạn trong lớp thấy phương pháp nhắc bằng tín hiệu moóc-xơ hiệu nghiệm quá liền năn nỉ hai chị em Tôm dạy cho. Thế là từ đó: vĩnh biệt những bài học thuộc lòng!

Tín hiệu moóc-xơ muôn năm! Và cũng từ đó cứ mỗi lần cô Hô-uất gọi một em nào lên đọc bài là y như rằng tiếng gõ bút chì vang lên: Cách! Cách! Cách…! và… em này đọc bài cứ làu làu. Cô giáo không ngờ học trò của cô đã hàng ngày dối cô một cách khéo léo. Có điều những tiếng gõ bút chì làm cô khó chịu. Cô ra lệnh không được gõ nữa. Lập tức những tiếng suỵt dài ngắn lại nổi lên: moóc-xơ vẫn hoạt động! Sau, cách ấy cũng không ổn thì các em lại lấy tay ra hiệu, cô giáo vừa không chú ý, vừa không ồn.

Cô Hô-uất rất vừa ý thấy độ này học sinh của cô đã bắt đầu chịu học, mà điều tiến bộ ấy tất nhiên là do phương pháp sư phạm của cô. Bởi vậy cô rất hãnh diện.

Một hôm có thầy thanh tra về: thầy Xin-cơ-le. Thật không may là hồi trẻ trước khi vào ngành giáo dục, thầy Xin-cơ-le đã có lúc làm điện báo viên ở Bốt-xtơn. Muốn kiểm tra xem học sinh chuẩn bị bài thế nào, thầy vào dự lớp cô Hô-uất.

– Nào, mời hai em Ê-đi-xơn Ta-ni-a và Hô-pê Li-vít lên bảng…

Tôm ngồi ngay ở bàn đầu. Khi thầy thanh tra vừa hỏi xong thì tiếng sách vở mở xoàn xoạt và tín hiệu moóc-xơ được ứng dụng ngay.

Thầy chú ý thấy Tôm cứ đưa đi đưa lại bàn tay một cách đều đặn khi dài khi ngắn. Với thói quen nhận xét nghề nghiệp của một người điện báo viên cũ, thầy chợt nhận ra đó là những tín hiệu moóc-xơ. Nhưng thầy cũng phải ngẩn người ngạc nhiên trước lũ trò nhỏ này với cái trò chơi tài năng ấy của chúng. Thầy biết rất rõ rằng chỉ riêng nghe, hiểu được các tín hiệu moóc-xơ cũng đã là một điều khó huống chi lại nhận bằng mắt! Làm sao bọn trẻ con này lại đã thuộc lầu và sử dụng thành thạo như vậy? Hay chúng là con cái cá điện báo viên?

Thầy hỏi nghề nghiệp bố mẹ của từng em một. Chẳng có em nào là con cái điện báo viên cả. Thật lạ! Gọi Tôm lên bảng: thầy thấy Ta-ni-a đánh moóc-xơ. Gọi một em bàn khác lên thì lại một em nào đó đánh tín hiệu… Đến chiều thì thầy đã rõ là hầu như cả lớp đều biết chỉ trừ có vài em. Thế thì quá lắm…

Khi về văn phòng, cô Hô-uất sung sướng vì buổi kiểm tra đã kết thúc tốt đẹp, cô bảo thầy Xin-cơ-le:

– Thưa ông thanh tra, ông hơi khắt khe quá đấy ạ, các em xứng đáng được những điểm cao hơn nữa kia. Thế mà điểm cao nhất ông chỉ cho được bảy…

– Giá như tôi kiểm tra về điện báo, chắc chắn tôi sẽ cho học trò của cô toàn điểm mười kia!

Cô Hô-uất tròn mắt, ngạc nhiên hỏi lại:

-T hưa ông, thế là thế nào ạ?

Mỉm cười, chậm rãi thầy Xin-cơ-le nói:

– Bởi vì học trò của cô chẳng học hành gì cả. Chúng chỉ toàn lo nhắc nhau bằng moóc-xơ thôi.

Cô Hô-uất sững người ra như tượng, rồi cô hét lên:

– Thế thì lại thằng Ê-đi-xơn Tôm rồi. Chỉ có nó dạy thôi chứ không còn ai nữa cả. Phải tống cổ nó ra ngay lập tức mới được!

– Về ý kiến ấy của cô, tôi lại không đồng ý chút nào. Tôi nghĩ rằng các em có học moóc-xơ thì cũng tốt thôi, dù rằng với mục đích nào. Thế là chúng đã tích luỹ chút gì đấy, cũng cần cho cuộc đời chúng. Chính tôi là người đã đề nghị với Viện nghiên cứu giáo dục hãy đưa điện báo vào chương trình giảng dạy, nhưng đề nghị ấy đã bị gạt đi. Bây giờ thì, dù chẳng muốn, tôi cũng thấy ý nghĩ ấy của tôi đã được thực hiện.

Sau khi thầy thanh tra đi rồi, cô Hô-uất mắng cho cả lớp một trận ra trò về cái tội nhắc bài.

– Từ nay, tôi mà bắt được em nào còn làm cái trò dối trá ấy nữa, tôi sẽ đuổi ra khỏi trường…

Nhưng bọn học trò vẫn cứ thế, bởi vì cô Hô-uất có biết nhắc bài kiểu đánh moóc-xơ đầu cua tai nheo ra sao đâu.

Một thí nghiệm nổi tiếng

Một hôm, Li-vít, con trai người bán rượu, đưa cho Tôm hai cái lọ nhỏ, một lọ đựng a-xít và một lọ đựng a-mô-ni-ắc, để đổi lấy mười viên bi bằng cao su.

Ta-ni-a hỏi:

– Em đổi làm gì đấy?

– Em đổi để làm thí nghiệm… Em định xem xem hai thứ ấy có hoà tan với nhau không.

Thằng Giô, con lão bán tạp hoá, đứng đấy máy mồm cũng hỏi:

– Thế ngộ nó nổ thì sao?

– Không biết… Để tớ còn phải thử đã chứ!

Tôm sốt ruột quá. Còn những ba tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ tan học để có thể về nhà xuống “phòng thí nghiệm” dưới tầng hầm. Tôm nghĩ “Hay là thử luôn ở trường xem thế nào?” Nghĩ sao làm vậy, Tôm hỏi:

– Nào, chúng mày, có đứa nào muốn xem tao thí nghiệm không?

– Chị thì chịu, chị sợ lắm – Ta-ni-a bảo.

Còn bọn con trai nhao nhao:

– Có, tớ! Có, tớ đây! Nhưng cậu làm thí nghiệm ở đâu chứ?

-Ở nhà xí!

Thế là cả lũ theo Tôm đi. Vào đến nơi Tôm lấy một cái lọ to đổ cả a-xít lẫn a-mô-ni-ắc vào. Bỗng nghe thấy một tiếng nổ “bụp” không to lắm. Sợ hãi, bọn trẻ con chạy ùa ra:

– Nổ! Nổ! Nổ trường chúng bay ơi!

Chỉ có Tôm dũng cảm ở lại lấy tay bịt miệng lọ. Nhưng không ăn thua! Cậu đánh đổ cả lọ ra nền nhà. Lập tức một làn khói trắng, đặc sệt, bốc lên mù mịt cùng một mùi khó ngửi. Làn khói luồn qua khe cửa, qua các ngóc ngách lan đi khắp trường…

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x