
Thomas Alva Edison là Ai ? – Web tải sách miễn phí ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Những trò tinh nghịch và mầm mống của thiên tài.
Ở tuổi thiếu niên, trong khi các cậu bé khác còn ham chơi thì Tôm đã không những luôn băn khoăn tìm hiểu mọi vật xung quanh mình mà còn muốn hiểu thấu đáo các vật đó. Cái gì cũng làm cậu ngạc nhiên. Cậu không hỏi ai được thì tự đặt cho mình các câu hỏi và cố tìm cách tự trả lời.
Vào thời kỳ tỉnh lỵ Mi-lan còn là một thương cảng nhỏ, cậu bé đã suốt ngày ngắm nhìn không biết mỏi những hoạt động nhộn nhịp của bến tàu, của xe cộ; đã say sưa theo dõi không chán nhịp điệu lao động khẩn trương ở nơi bốc dỡ hàng hoá của công nhân khuân vác… Đôi khi vì mải xem các máy cưa cưa gỗ làm ngói, cậu đã về nhà muộn. Chiều hôm ấy, chắc chắn là cậu sẽ bị ông Xa-mu-en mắng cho một trận thậm tệ về tội chỉ đi lang thang vô ích.
Cậu không hề chơi các trò chơi mà ở vào lứa tuổi cậu em nào cũng ham mê. Cậu chỉ thích đi nhặt các mẩu gỗ ngoài công trường rồi ghép lại thành kè, thành bến, thành nhà kho, v.v…
– Tôm, làm gì thế con?
Đó là câu hỏi bà mẹ luôn luôn hỏi cậu, lo lắng thấy cậu lúc nào cũng bận những việc không đâu, đến nỗi bỏ cả ăn, cả ngủ.
Cái cảnh phồn vinh trên bến dưới thuyền Tôm đã thấy trong thời thơ ấu của mình không tồn tại lâu: Con đường sắt gần Mi-lan hoàn thành thì bến tàu cũng bắt đầu hoang vắng. Gia đình Xa-mu-en cũng dọn sang Po Hu-rôn ở phía nam hồ Hu-rôn.
Ở Po Hu-rôn có một thư viện, tuy nhỏ nhưng cũng có đủ mọi loại sách của tất cả các môn khoa học. Ngay từ bảy tuổi, Tôm cũng đã hàng ngày đến đó đọc sách. Tôm đọc bất cứ sách gì có ở thư viện. Năm lên chín tuổi, cậu đã đọc “Triết học tự nhiên và triết học kinh nghiệm” của Ri-sa Gơ-rin Pac-cơ xuất bản năm 1856. Cho đến năm mười hai tuổi, cậu bé đã đọc hầu hết các sách cơ bản về văn hoá thế giới, những cuốn được người đương thời rất quý như “Lịch sử sự tiến bộ và thoái hoá của đế quốc La Mã” của Gip-bông, “Lịch sử Đại Anh quốc” của Hum, “Lịch sử thế giới” của Xya, “Bách khoa toàn thư sơ đẳng” của Pê-ni, “Lịch sử sự cách tân” của Buốc-tôn. Cậu đã đọc nghiến ngấu, say mê những cuốn sách đó.Tuy khác hẳn những trẻ cùng tuổi nhưng Tôm cũng có một người bạn thân. Đó là Mi-ca-en Oa-tét. Cha mẹ Mi-ca-en ở Mi-si-gân. Đôi bạn hợp nhau và thân nhau vì cũng gặp nhau ở chỗ thèm hiểu biết, thích khám phá.
Dưới hầm nhà, Tôm lập một “phòng thí nghiệm”. Ngoài thì giờ ở trường ra, Tôm không hề đi đâu, cậu chỉ ở đấy, thí nghiệm lại tất cả những gì đã học. Ai cũng cười Tôm, chỉ riêng mẹ và chị Ta-ni-a là ủng hộ. Ta-ni-a là một cô bé cũng ưa những công việc tìm tòi của em mình.
Chỉ trong một tuần, Tôm dạy chị học thuộc lòng các chữ cái bằng tín hiệu moóc-xơ. Từ nay, hai chị em đã có một trò chơi mới: có thể nói chuyện “bí mật” trước mặt mọi người mà chẳng ai hay biết.Tôm có một điều bực mình là chị Ta-ni-a hay dậy muộn và mẹ chỉ toàn sai Tôm lên gọi. Sáng nào cũng vậy, trong lúc đang ngủ ngon thì Tôm bị mẹ lay dậy, bảo:
– Tôm, lên gác đánh thức chị Ta-ni-a dậy, kẻo chị lại đi học muộn!
Tôm đành mắt nhắm mắt mở đi gọi chị. Mà nào có phải chỉ gọi một tiếng là chị dậy đâu. Tôm phải lay chị hàng mươi phút chị mới mở mắt. Để khỏi chui ra khỏi chăn ấm, Tôm nghĩ ra một cách gọi rất mầu nhiệm làm cho chị phải dậy ngay mỗi khi mẹ vừa sai Tôm. Một buổi sáng, khi mẹ vừa gọi: “Tôm, lên gác gọi chị Ta-ni-a…” cậu liền thò tay ra khỏi chăn, kéo một thanh gỗ treo nằm ngang xuống. Thế là ở trên gác chị Ta-ni-a dậy ngay tức khắc! Máy gì mà tài thế? Thì ra Tôm làm một thanh gỗ, buộc vào hai đầu thanh gỗ hai sợi dây gai; hai đầu kia em buộc vào hai cổ chân chị Ta-ni-a. Khi kéo một đầu thanh gỗ thì một chân Ta-ni-a sẽ bị lôi ra ngoài chăn, nếu kéo mạnh quá thì cả Ta-ni-a cũng bị lôi ra khỏi giường.
Ngoài ra, Tôm còn làm máy… “nói” ở phòng Ta-ni-a. Em gắn một cái phễu vào đầu một ống dẫn nước đã bỏ đi ở trên gác. Ống này được đặt từ trên gác xuống căn hầm nhà, vào tận “phòng thí nghiệm” của Tôm. Ở dưới này, Tôm cũng gắn cái phễu nữa vào đầu ống, và thế là hai chị em cứ việc nói chuyện với nhau, một ở trên gác, một ở trong “phòng thí nghiệm”.
Một hôm, Ta-ni-a gọi “ống nói” cho Tôm báo một “tin dữ”:
– Alo, Tôm!
– Alo, chị Ta-ni-a, cái gì thế?
– Này, nếu em không đóng cánh cửa sổ lại thì chị không dậy đâu nhé, vì bỏ chăn ra chị sẽ bị cảm lạnh đấy.
-Chị không dậy thì mặc chị. Cô Hô-uất sẽ phạt chị!
– Sao lại thế? Cứ đóng cửa vào, chị dậy ngay.
– Em không đóng được. “Máy” hỏng rồi!
– Kệ, chữa đi!
– Em thử xem nhé?
Tôm kéo mạnh sợi dây buộc vào cánh cửa sổ lắp kính trên gác để thử, ai ngờ cánh cửa bật ra và rơi xuống đất, kính vỡ tan. Tôm bị cha đánh cho một trận rất đau vì cái “trò điên” ấy.
Cứ sáng sáng Tôm và Ta-ni-a dắt tay nhau cùng đi đến trường. Hôm ấy, Tôm cắm đầu đi không nói năng gì, Ta-ni-a hỏi:
– Em nghĩ gì thế?
– Em nghĩ tại sao người ta không tìm cách giữ tiếng nói lại để nó bay phí hoài đi mất.
– Nhưng giữ lại để làm gì?
– Chị ngốc lắm. Nếu có thể được thì em sẽ giữ lại bài diễn thuyết của Oa-sinh-tơn và của Phơ-răng-cơ-lanh…. Có ai ngờ đâu là trong đầu óc của cậu bé mười hai tuổi ấy, đã có cái ý nghĩ mầm mống về máy ghi âm.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.