
THƯ – HỌA – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách THƯ – HỌA của tác giả Nguyễn Duy Chính mời bạn thưởng thức.
Vào thời này, hai chính sách của miền Nam và miền Bắc khác nhau. Miền Nam không cho lập bia nên chữ viết còn lại là chữ viết trên giấy. Trái lại miền Bắc lại hay khắc vào đá, nhất là kinh Phật. Nam thiếp, Bắc bi chính là từ đó.
Vào thời kỳ này, nhân vật nổi tiếng nhất trong giới thư mặc là Vương Hi Chi. Vương Hi Chi (307-365?) sống vào thời Đông Tấn, ngay từ khi ông còn tại thế đã nổi danh về bút thiếp. Ông sở trường khải thư và hành thư, rất được người đời Đường ưa chuộng. Vua Đường Thái Tông vì thích chữ của ông nên ban thưởng rất hậu cho những ai dâng tiến bút thiếp họ Vương. Khi được tờ thiếp Lan Đình, ông sai người bắt chước để sao ra nhiều bản, phát cho cận thần. Bản chính của tờ thiếp này sau theo nhà vua chôn trong mộ.
Đời Đường là giai đoạn mà văn hóa Trung Hoa phát triển rất mạnh, nhất là văn chương, thi phú. Văn chương thì cổ văn luật thi được hình thành (tức các thể thơ mà ta gọi là thơ Đường, phép làm thơ gọi là Đường luật). Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên… là những thi, văn gia nổi tiếng. Cho đến nay, thơ Đường vẫn phong phú hơn mọi triều đại khác. Chính từ thời nay mà ba lối chữ triện, lệ, chân được kiện toàn và được đặt tên là “cận thể văn”. Lối viết chữ khải được người ta chuộng, là lối chữ viết rõ ràng, đầy đủ nét. Nhiều nho sĩ chỉ vì có tài viết chữ đẹp mà thành danh, nên không lấy làm lạ khi danh thần cũng là danh thư gia. Ta có thể kể Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương, Tiết Tắc vào thời Sơ Đường, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền thời Thịnh Đường. Thời Sơ Đường các thư gia nét chữ gầy và mạnh, đến Nhan Chân Khanh thì nét chữ đậm ra và chữ cũng to ngang, còn Liễu Công Quyền coi như người sau cùng của thời chữ khải. Cả sáu người đều là những thư gia tài danh và các đời sau đều coi đó là khuôn mẫu cho kiểu viết chân phương. Hiện nay, các bản tập viết chữ Tàu bày bán tại các tiệm sách thường là chữ phóng của những người này.
Sang đời Tống, thư pháp chú trọng đến “thiếp”. Thiếp tức là những bản mẫu của danh gia được khắc lại trên gỗ hay đá, rồi tô mực mà in lại. Theo nguyên nghĩa thì thiếp là chữ viết thẳng lên lụa hay giấy, khác với “bi” là chữ khắc lên trên các tấm bia bằng đá. Thế nhưng từ đời Tống thì dù bản chính hay bản vỗ cũng đều gọi là thiếp cả. Tuy vẫn theo khuôn mẫu đời Tấn, đời Đường nhưng đời Tống người ta không còn quá thiên về khải thư như trưóc. Các thư gia lúc này nghiêng về mỹ thuật trong phép viết cũng như tạo ra những đường nét riêng, tìm chỗ độc đáo hơn là bắt chước. Bốn người nổi tiếng nhất đời Tống là Tô Thức (Đông Pha), Hoàng Đình Kiên, Mễ Phế và Thái Tương. Người sau xưng là Tô Hoàng Mễ Thái, tứ đại gia.
Đời Nguyên tương đối ngắn, chỉ khoảng một trăm năm (1260- 1368) nhưng lại có một nhân tài kiệt xuất trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa. Đó là Triệu Mạnh Phủ, một thi, họa, thư gia mà rất nhiều người chịu ảnh hưởng. Những người viết chữ nổi tiếng đời Nguyên như Khang Lý Quì Quì, Kha Cửu Tư, Tiên Vu Khu, Trương Vũ đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của ông. Thời Nguyên thư pháp chỉ chuộng lối cổ, thích viết thiếp.
Sang đời Minh, nho gia vẫn tiếp tục con đường mà Tống, Nguyên đã vạch ra, và thời này có rất nhiều nhân tài được coi như thời kỳ cực thịnh của thiếp học. Đầu đời Minh có Tam Tống tức Tống Khắc, Tống Quảng và Tống Toại. Giữa đời Minh có Chúc Duẫn Minh, Văn Trưng Minh, Vương Sủng. Cuối đời Minh có Hình Đồng, Trương Thụy Đồ, Đổng Kỳ Xương, Mễ Vạn Chung, người đời gọi là Hình Trương Đổng Mễ tứ gia. Trong bốn người thì Đổng Kỳ Xương nổi tiếng hơn cả. Đời Minh người ta chuộng lối viết theo kiểu hành thư (viết hơi nhanh, đá thảo) và thảo thư (viết tháu).
Đời nhà Thanh người ta vẫn chuộng đường lối từ thời Minh. Vua Khang Hi (1662-1722) rất thích thư pháp của Đổng Kỳ Xương còn vua Càn Long (1736-1975) thì thích thư pháp của Triệu Tử Ngang (Mạnh Phủ). Vì được hoàng đế ưa chuộng, thư pháp của hai nhà này càng được nhiều người bắt chước. Dưới thời Gia Khánh (1796-1821) và Đạo Quang (1821-1850) người ta lại chuộng lối viết của thư gia đời Đường là Âu Dương Tuân, và vẫn sùng thượng thiếp học. Sang đời Hàm Phong, Đồng Trị vì chưng nhiều cổ tích được khai quật nên người ta vỗ lại được nhiều bản văn khắc trên đồng khí và bia đá.
Đời Thanh nhân tài nhiều người nổi tiếng chẳng hạn như Thanh sơ cóVương Đạc, Phó Sơn, đời Càn Long thì có Trương Chiếu, Lưu Dung. Bi học có Đặng Thạch Như, Hà Thiệu Cơ, Trương Dụ Chiêu. Nhiều vị hoàng đế và thân vương triều Thanh cũng là những người văn mặc tiếng tăm, chẳng hạn như vua Khang Hi, Càn Long, Thành Thân Vương.
Nghi thức mà kẻ sĩ chú trọng trong phép viết chữ gồm cả thái độ khoan dật khi cầm thỏi mực mài trên nghiên, cách cầm ngọn bút, qui tắc của từng nét khi đầu bút chạm vào tờ giấy. Trong suốt hai ngàn năm qua, hầu như những định lệ này chỉ thay đổi rất ít và những phương pháp tập luyện cho đến nay, nếu thực sự muốn trở thành một thư gia, họa gia, người ta vẫn phải cố công theo đuổi một thời gian dài. Người không am tường nhìn vào một bức viết chỉ thấy những nét loằng ngoằng không có ý nghĩa gì. Thế nhưng đối với những người sành sỏi, chuyên môn, một bức viết trở thành sống động, có hồn. Mỗi nét là một nguồn sống, mang lại tiết điệu cho toàn cục. Người xem chữ không những nhìn những nét chữ mà nhìn cả những khoảng trống, từ vị trí mỗi chữ đến khoảng cách của hai hàng. Những ý nghĩa đó chúng ta không tìm thấy trong phương pháp viết của Âu Châu.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.