
Thượng Chi Văn Tập – Tập 1 – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Thượng Chi Văn Tập – Tập 1 của tác giả Phạm Quỳnh
NGHĨA-VỤ LÀ GÌ ?
Tiên nho có câu : « Muốn nhập-môn đạo Khổng Mạnh, trước hết phải biết phân-biệt điều nghĩa điều lợi. »
Tiên-nho gọi điều nghĩa, tức ta gọi là nghĩa-vụ ; tiên-nho gọi điều lợi tức ta gọi quyền-lợi. Hai cái quan-niệm về nghĩa-vụ quyền-lợi thực là cái chốt của luân-lý vậy. Nghĩa với lợi quan-hệ nhau thế nào, đó là một vấn-đề rất trọng, người ta dù ở đời nào nước nào, cũng phải từng xét đến. Vì giải vấn-đề ấy, tức là giải nghĩa đời người vậy.
Đại để các xã-hội ngày xưa lấy nghĩa trọng hơn lợi. Không những thế, mà trong hai cái quan-niệm về nghĩa-vụ cùng quyền-lợi, chỉ biết nghĩa-vụ mà không hề nghĩ đến quyền-lợi. Lại không những thế, mà trong một xã-hội những người bởi địa-vị của mình được có quyền-lợi đối với người khác, cũng tự coi quyền-lợi ấy là nghĩa-vụ. Vua đối với tôi, cha đối với con, chồng đối với vợ, đều là có quyền-lợi riêng, mà thực là có nghĩa-vụ riêng. Vua có quyền trị dân, nhưng cái quyền ấy tức là phải lo cho dân được an lạc ; cha có quyền dạy con, nhưng cái quyền ấy tức là phải gây cho con được nên người ; chồng có quyền khuyên vợ, nhưng cái quyền ấy tức là phải mưu cho gia-đình được hòa thuận vui-vẻ. Nói rút lại, thì ngày xưa quan-niệm quyền-lợi thuộc về « tiêu-cực », mà quan-niệm nghĩa-vụ thuộc về « tích-cực ». Ngày nay tựa-hồ như phản trái lại : « tiêu-cực » chuyển ra « tích-cực » mà « tích-cực » chuyển ra « tiêu-cực », quyền-lợi xem ra trọng hơn nghĩa-vụ.
Sự chuyển-dịch ấy khởi ra tự Âu-Châu. Các nước Âu-Tây xướng ra nhân-quyền, lại xướng ra dân-quyền, làm kinh-thiên động-địa vì hai chữ « quyền-lợi ». Vua có quyền-lợi đối với dân, nhưng dân cũng có quyền-lợi đối với vua, cha có quyền-lợi đối với con, nhưng con cũng có quyền-lợi đối với cha, chồng có quyền-lợi đối với vợ, nhưng vợ cũng có quyền-lợi đối với chồng. Bấy nhiêu quyền-lợi tranh dành xung-đột nhau, khởi lên như giao dựng, thì phán-địch làm sao cho được ? Ai cũng có quyền-lợi cả, mà duy có cái quyền-lợi tối-yếu là cái quyền quyết-định mọi sự cạnh-tranh thì không thuộc về ai ! Bởi vậy mà trong lịch-sử Âu-Châu đã từng nổi lên lắm phen biến-loạn cải-cách, gây nên phong-trào tự-do bình-đẳng ngày nay. Nhưng người Âu-Châu giàu tính tự-trị, tập thói tự-do đã lâu đời, nên đã khởi ra mới có thể đương được cái phong-trào ấy. Thế mà lắm khi nó mạnh quá cũng còn sinh ra nhiều sự nguy-hiểm cho xã-hội. Như trong nước ai cũng đòi quyền-lợi, thậm-chí người đàn-bà cũng bỏ chốn khuê-phòng mà ra nơi công-chúng yêu-cầu những quyền bầu-cử, quyền chính-trị, thì xã-hội còn có trật-tự nào nữa, gia-đình còn có thể vững bền sao được ?
Các nhà trí-thức bên Âu-Châu vẫn biết cái nguy đó, nên nhiều người đã tìm cách để duy trì cho xã-hội. Các nhà ấy nghĩ rằng tự-do mà đem đến cực-điểm thì không phải là một sự hay nữa mà thành một cái vạ, quyền-lợi mà không có hạn-chế thì chỉ đủ gây nên rối-loạn. Vậy muốn chữa cái tệ ấy, không gì bằng bồi-dưỡng lấy « lòng nghĩa-vụ » trong quốc-dân, khiến cho ai nấy đều hiểu rằng người ta tuy có quyền-lợi, nhưng trọng nhất là nghĩa-vụ của mình, muốn hưởng quyền-lợi kia, trước phải làm cho trọn nghĩa-vụ này mới được. Một nhà làm sách có tiếng ở nước Pháp bàn về nghĩa-vụ đã nói rằng :
« Từ thủa đồng-ấu cho đến tuổi trưởng-thành, cả công giáo-dục phải là chỉ gồm lại một bài dạy nghĩa-vụ. Phàm việc mưu-toan, phàm sự-nghiệp, mục-đích gì, cũng phải xét theo một phương-diện cao-thượng ấy cả, khiến cho hai chữ nghĩa-vụ thành một cái đầu-bài hằng ngày phải giảng đến, diễn ra đủ các mặt, lấy những gương danh-dự xưa nay mà chứng-tỏ thêm vào. Phải giải cho rõ rằng nghĩa-vụ đối với quyền-lợi là đứng cái thế quân-bình, không những thế mà lại điều-hòa thích-hợp với nhau nữa. Phải bày cho tường rằng nghĩa-vụ vốn nó trang-nghiêm tôn-trọng càng thực-hành ra bao nhiêu lại càng cao càng quý lên bấy nhiêu. Phàm người làm cha, làm thầy, làm bạn, không cần phải có văn-bằng sư-phạm, đều là có tư-cách dạy nghĩa-vụ cho bọn thiếu-niên. Phải khiến cho chúng biết nghĩa-vụ mãnh-liệt thế nào, phong-phú thế nào, nó cho người ta cái sức cất nổi quả núi, nó tắm gội cho tâm-hồn người ta, rửa sạch mọi sự phiền-não, khiến cho trong lòng được vui-vẻ bình-tĩnh. Phàm việc gì bởi nghĩa-vụ mà làm thì làm mới được trọn-vẹn, mà những việc ấy thường lại là những việc rất khó-khăn. Làm việc nghĩa-vụ, dù không được thành-công, không được lợi-lộc, mà trong sự thất-bại cũng có cái thú âm-thầm nó đền cho công khó-nhọc. Nghĩa-vụ không bao giờ khiến cho phải oán-phẫn hối-hận. Bao giờ cũng có cái vẻ bình-tĩnh uy-nghiêm, mà không biết cái mùi xót-xa cay-đắng… » (Henri Lavedan)
Mấy lời đó thực là cực-tả cái thế-lực, cái oai-quyền, cái hiệu-nghiệm, cái công-đức của hai chữ Nghĩa-vụ.
Ấy các nước Âu-Tây là nơi tư-tưởng về quyền-lợi thịnh-hành như thế, mà còn trọng, còn thờ nghĩa-vụ như vậy. Cho hay hai mối nghĩa-vụ quyền-lợi thực như lời nhà danh-sĩ Pháp đã nói, đứng thế quân-bình, nếu thiên-trọng một bên nào thì trật-tự xã-hội tất phải điên-đảo.
Âu-Tây còn thế, phương-chi là ta.
Nước ta từ khi nho-học suy, luân-lý cũ thấy đã lãng bỏ-nhiều. Mà luân-lý cũ, tức là luân-lý « duy-nghĩa », không có một phần nào « duy-lợi » vậy. Cả cái lâu-đài đạo-đức của ông cha ta, đều là xây lên một cái nền chữ Hiếu cả : Hiếu chẳng phải là nghĩa-vụ rất tôn, rất nghiêm, rất cao-thượng, rất thuần-túy dư ? Nhưng hiện nay lâu-đài ấy không được vững-vàng như xưa nữa, dường như sắp đến ngày đổ-nát. Thử xét khắp các hạng người trong xã-hội, đâu đâu cũng chỉ thấy đua nhau mà xô-đẩy vào trường cạnh-tranh quyền-lợi. Người làm quan hầu như chỉ có một mục-đích : là vơ-vét lấy của dân cho thật nhiều, để mưu sự sung-sướng cho một mình. Kẻ đi học cũng không chủ ở sự học, chỉ cốt ở đường thi-cử tiến-thân, học để làm việc nọ cầu chức kia, không phải học cho nên người tài-giỏi. Những kẻ được quốc-dân suy-tôn nhất, là người khéo yêu-hãnh cầu-cạnh, kiếm được nhiều tiền, chiếm được vị cao, không phải là người phẩm-hạnh hay, nhân-cách tốt.
Muốn cứu lại cái tình-thế nguy-hiểm ấy, phải bồi-dưỡng lấy lòng nghĩa-vụ trong quốc-dân ; phải in sâu hai chữ « nghĩa-vụ » vào trong tâm-não mỗi người, khiến cho ai làm công-việc gì cũng biết coi việc ấy là một sự thuộc về bổn-phận mình phải làm cho trọn.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.