
Tiếng Ðàn Xưa – Đọc Sách Online Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Tiếng Ðàn Xưa của tác giả Trần Văn Khang
Ngày hôm sau, dùng cơm tối xong, tôi đang giúp Mỹ Linh giải thích một bài học về toán đại số, thì Phượng tới. Tôi nghĩ cô em Mỹ Linh có sắp đặt nhưng không cho tôi và Phượng biết. Mỹ Linh giới thiệu tôi cho bạn rất tự nhiên:
– Anh Tâm, anh của Linh ở Hải Phòng mới lên chơi, đang giảng bài học về toán của thày Bích cho mình. Ðây là Phượng, bạn cùng lớp với em.
Phượng nhẹ cúi đầu, mái tóc dài đen huyền, buông sau đôi vai thon nhỏ, khẽ lay động. Phượng có giọng nói Hà Nội:
– Chào anh.
Tôi cũng đáp lại:
– Chào chị Phượng.
Mỹ Linh nói thêm vào:
– Anh Tâm gọi bạn em là Phượng được rồi. Phượng là bạn của em thì cũng là em của anh luôn.
Tôi thầm cám ơn cô em, đã tạo thân mật trong buổi đầu gặp gỡ. Trái tim tuổi con trai mới lớn của tôi rộn rã. Phượng quả là một thiếu nữ đẹp, duyên dáng và tôi thấy người con gái mới gặp này khả ái lạ thường. Thấy tôi chú ý nhìn, Phượng hơi mất tự nhiên, và tôi cũng chợt nhận ra cái “ngố” của mình, vội tránh không nhìn nàng một cách “ngây ngô” nữa. Mỹ Linh mời chúng tôi vào phòng khách. Gần dịp Tết, nhà sẵn trái cây, Linh cho chúng tôi dùng trái hồng mềm, ăn với cốm Vòng. Những trái hồng chín đỏ, da mọng và hương vị ngọt, thơm ngon vô cùng. Chưa từng yêu thương người thiếu nữ nào, nhưng ngồi ăn hồng trước mặt Phượng và cô em, tôi đã tưởng tượng má người thiếu nữ đẹp có lẽ cũng căng và ngọt thơm như những trái hồng này. Cốm xanh của làng Vòng là một thổ sản nổi tiếng miền Bắc nhiều người biết, tôi nghĩ có lẽ còn danh tiếng hơn cả thuốc ông Lang Vòng thời bấy giờ.
Chúng tôi nói chuyện rất vui, có lẽ vì cùng lứa tuổi và cùng học năm đầu của chương trình Tú tài, chỉ khác ban. Qua câu chuyện, tôi được biết Ba của Phượng làm ngành công chánh. Vì tình hình chiến sự lúc bấy giờ, ông sắp phải xuống Hải Phòng vài năm lo chương trình tu bổ và xây cất, nới rộng phi trường Cát Bi Hải Phòng cho nhu cầu phi đạo và chỗ đậu của những chiến đấu cơ Pháp.
Phượng nói với tôi, giọng hơi lo lắng:
– Phượng học ban C. Anh Tâm nói Hải Phòng chỉ có một trường của anh là dạy tới lớp Ðệ Tam, chỉ có ban toán. Không biết làm sao Phượng theo kịp.
Tôi nói cho Phượng an tâm:
– Phượng đừng lo, toán lớp Ðệ Tam không đến nỗi khó lắm. Phượng sẽ vui vì trường Tâm đang hoc bây giờ, có nhiều thầy dạy Việt văn hay lắm, chắc Phượng sẽ thích.
Tôi đã tự động xưng hô với tên của mình cho thân mật. Mỹ Linh nói quảng cáo cho bạn:
– Phượng giỏi Việt văn lắm anh Tâm ạ, làm luận văn hay nhất lớp em. Phượng thích thơ và biết làm thơ nữa.
Phượng hơi cúi đầu và má ửng đỏ vì lời khen của bạn. Tôi kể tên các nhà văn đang dạy tại trường Phùng Hưng. Phượng nghe nói, mắt nàng sáng long lanh:
– Phượng chỉ xuống Hải Phòng có một hai lần, lúc bé. Rồi năm ngoái chỉ ngang qua Hải Phòng lúc đi biển Ðồ Sơn. Bây giờ còn chưa quen với thành phố của anhï. Anh Tâm thấy Hải Phòng có những gì đặc biệt?
Tôi nói với nàng:
– Mỹ Linh có thể cho Phượng biết thêm, Linh có xuống thăm Hải Cảng nhiều lần. Hải Phòng là một thành phố nhiều lao động, với bến tàu, với công nhân, không thơ mộng và “văn hiến” như Hà Nội. Hải Phòng có sắc thái đặc biệt của một thành phố hải cảng. Có một giáo sư trẻ dạy trường Trí Tri Hải Phòng, bút hiệu Song Nhất Nữ, mới lập gia đình với một cô gái tại thành phố này, đã làm một bài thơ nói về Hải Phòng, để đọc cho Phượng và Linh nghe. Tôi thong thả đọc bài thơ Hải Phòng, đã được ngâm trên Ðài phát thanh Pháp Á nhiều tháng trước:
Ơi Hải Phòng xa xôi
Có ngàn dân lành cặm cụi
Giữa phố phường đô hội
Sống ngặt nghèo nơi ngõ tối âm u
Ơi Hải Phòng bụi mù
Ơi Hải Phòng chen chúc
Bến Tàu đông đúc
Và đây, Cầu Hạ Lý vẫn trơ trơ
Bên kia Sáu Kho
Bên đây Cửa Cấm
Gió Tam Bạc chiều nay sao lồng lộng
Nước suôi nguồn theo lớp sóng ra khơi
Chị bán rau trong Chợ Sắt ngụt người
Anh phu gạo ngoài Ba Ty ngợp bụi
Mười phương loạn quay về đây tụ hội
Mồ hôi nghèo mong đổi chút cơm khô
Hải Phòng ơi,
Này bến ô-tô
Nọ ga xe lửa
Bể mặn chát đã dạt về bao cửa
Những hương ngàn gió nội của năm châu
Hải Phòng ơi,
Ðây đất để làm giàu
Ðất để sống, để kiếm tiền kiếm gạo
Ðất vật lộn để tìm cơm, tìm áo
Ðất kiêu hùng cửa họng của non sông
Hải Phòng ơi,
Ta nhớ mãi Hải Phòng
(Thơ Song Nhất Nữ)
Những ngày kế tiếp, Mỹ Linh và Phượng cùng tôi dùng xe đạp dạo các phố phường và thắng cảnh tại Hà Nội. Linh giới thiệu cho tôi món bánh tôm Cổ Ngư, mướn thuyền đi trên Hồ Tây, đi dạo và ăn kem mấy lần bên bờ Hồ Gươm. Trước hôm tôi trở về Hải Phòng, người chị cả của Phượng là Chị Huyền cho chúng tôi dùng món bún chả Hà Nội, ngay tại cửa hàng tơ lụa của Chị ở Phố Hàng Gai. Cửa hàng của chị có tên là Ðan Phượng, lấy tên của một huyện của tỉnh Hà Ðông. Chị Huyền cho tôi biết là gia đình quê quán ở Hà Ðông, chuyên sản xuất tơ lụa. Phượng được sanh ra tại quê của nàng, nên được cha mẹ chọn tên như vậy.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.