
Tỉnh Ngộ – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Tỉnh Ngộ của tác giả Lý Ngư mời bạn đọc thưởng thức.
Hồi 2
Lão Hoà thượng rao giảng luân lý phật
Tiểu môn sinh ước muốn đệm thịt người.
(老頭陀空張皮布袋 小居士受坐肉蒲團
Lão đầu đà không trương bì bố đại Tiểu cư sĩ thụ toạ nhục bồ đoàn)
Chuyện kể rằng vào đời Nhà Nguyên (1280-1368), năm Chí Hòa thứ nhất (1328). Trên núi Ðiểm Thương, có một nhà sư dòng Khất Thực, pháp danh Chính Nhất, đạo hiệu Cô Phong. Ông vốn người quận Châu, thụ giáo từ một vị cao tăng nổi tiếng.
Nhưng bởi số trời, lúc mới sinh vừa đầy tháng còn nằm trong nôi đã phát ra tiếng ê a kỳ lạ, cứ như học trò học thuộc lòng vậy, cha mẹ ngạc nhiên lắm. Một hôm có nhà sư Khất Thực đi qua thấy a hoàn bế đứa bé khóc không ra khóc, cười chẳng ra cười.
Nhà sư mới lắng tai nghe rồi nhận ra đứa bé đang tụng niệm “Chân kinh Lăng Nghiêm Ðại Tạng”. Thằng bé này chính là một vị cao tăng hoá kiếp đầu thai. Nhà sư xin với cha mẹ đứa bé cho được thu nhận làm đệ tử. Cha mẹ đứa bé cho là lời sư xằng bậy, không tin chuyện dị đoan. Nên dốc lòng cho con theo đòi thư sự. Thằng bé học đâu nhớ đó.
Nhưng chuyện khoa bảng không phải điều nó thích, nhiều lần đã muốn bỏ học chữ Nho để theo học kinh Phật, nhưng đều bị cha mẹ la mắng thậm tệ. Nó phải buộc lòng đi thi chiếu lệ. Sau khi cha mẹ đều qua đời, chịu tang hai năm, rồi đem gia sản chia hết cho người trong họ, chỉ giữ lại một cái túi da lớn, chất mõ và kinh kệ vào trong, xong rồi cạo đầu lên núi tu hành.
Ai biết thì gọi ngài là Cô Phong trưởng lão, người không biết gọi là ông sư đeo bị lớn. Ngài không giống các nhà sư khác, chẳng những tuyệt đối kiêng rượu thịt, tà dâm mà còn thủ giới rất nghiêm, ngay cả với chốn tăng gia cũng luôn giữ “tam không” là không khất thực, không giảng kinh, không tu hành nơi núi rừng nổi tiếng.
Có người hỏi tại sao không khất thực, ngài bảo “Việc học Phật, bắt đầu từ những hành vi thiện. Phải cực khổ, phải vất vả, phải bị cái đói, cái rách bức bách hằng ngày thì cái ý niệm dâm ô mới không sinh ra dâm dục, sự ham muốn bị đẩy lùi, mà cái sự thanh tĩnh sẽ mỗi ngày mỗi đến, lâu dần rồi tự nhiên thành Phật, ngay cả kinh cũng có thể không bắt buộc phải niệm, mõ cũng có thể không bắt buộc phải gõ.
Nếu không khốn cùng mà vẫn có ăn, không dệt vải mà vẫn có áo mặc, cả ngày chỉ trông cậy vào con nhang đệ tử cúng biếu, làm như vậy rõ ràng đã không thành Phật mà thân sa vào địa ngục mất hồi. Vì vậy, bần tăng làm lấy mà ăn, tự giới không khất thực.”
Có người thắc mắc tại sao không giảng kinh, ngài nói: “Lời lẽ trong kinh tạng là từ Phật, Bồ Tát nói ra. Trừ phi Phật, Bồ Tát giảng thì được, chứ người khác ngày nào cũng đòi giảng thì có khác chi người điên giải mộng. Kinh kệ càng bàn, càng thành chi ly.
Uyên Minh Ðào Tiềm đời Tấn, xưa kia chẳng nói “Ðọc sách không cần phải giải giải kỹ “, đủ rõ người Trung Quốc đọc sách Trung Quốc mà còn không dám mong giải cho rõ, huống hồ người Trung Quốc đọc sách Tây Tạng đòi bình giải, thì chỉ thêm sai mà thôi.
Bần tăng không dám mong làm bậc công thần của Phật với Bồ Tát, chỉ muốn tránh không phạm tội với Phật thôi, thế nên tự giới không giảng kinh”.
Có người lại hỏi tại sao không tìm nơi danh sơn mà trú ngụ, ngài trả lời: “Kẻ tu hành cấm không được ham gái đẹp. Muốn cho tâm không loạn thì phải tránh xa sắc dục, không những đó là giọng đàn tiếng quyển ngọt ngào, mà còn là ngọn gió mát lướt nhẹ trên da thịt, vầng trăng sáng làm thỏa thích tâm hồn, mà còn là tiếng chim hót líu lo vui tai, là thức ăn khoái khẩu, tất cả đều đáng yêu đáng mến.
Trước cảnh sông núi linh thiêng đẹp đẽ, làm sao có thể không động lòng mà chẳng chấp bút đề thơ, chị trăng cô gió cũng theo người nhập định, thì đêm hôm khuya khoắt làm sao có thể ngồi yên trên đệm bồ hương?
Cho nên vào danh sơn để học thì việc học khó thành, vào danh sơn để tu thì tình căn nan tịnh. Huống chi nơi danh sơn nào mà chẳng có các bà các cô đến lễ bái, rồi cùng đi với các cô, có các cậu sẽ giở trò ghẹo nguyệt trêu hoa. Vì thế bần tăng bỏ nơi danh sơn mà đến hoang sơn cùng cốc để mắt, tai khỏi bị nhiễm thói hư tật xấu ở đời, thế thôi.”
Người hỏi rất khâm phục khi nghe ngài đối đáp, cho rằng từ xưa tới giờ chưa có vị sư tăng nào được như thế. Ngài chỉ thực hiện ba điều giới cấm mà tuy không cầu danh nhưng danh càng nổi, dân chúng xa gần ngưỡng mộ mà kéo đến chiêm bái thật đông. Nhưng ngài không thu nhận đệ tử ào ạt.
Phải là kẻ có thiện căn thành tín thì mới được xuống tóc, nếu không đều bị cự tuyệt khước từ. Vì vậy tuy ngài xuất gia đã lâu mà đệ tử chẳng có mấy người. Một góc núi, một túp lều tranh, cày ruộng mà ăn, múc nước suối mà uống, trên cột trước cửa nhà viết một đôi câu đối:
Học Phật vô an lạc, thân tu hoạt du biến nhất thập bát tầng địa ngục.
Tham thiền phi dung dị, minh vấn dĩ tọa phá kỷ thiên bách cá bồ đoàn.
(Học Phật không thấy an lạc, nên chu du khắp mười tám tầng địa ngục.
Ngồi thiền chẳng cảm thoải mái, phải tự hỏi ngồi nát bao nhiêu đệm bồ hương.)
Chỉ cần gặp, là biết cuộc đời ngài khổ hạnh đến mức nào.
Một ngày thu trời vừa hửng sáng, gió hiu hắt tiếng mõ vừa ngưng, côn trùng kêu rả rích, nhà sư ra sân quét lá, thay nước cúng Phật, thắp hương xong rồi vào nhà trên trải đệm bồ hương ngồi thiền. Ngài sơ ý quên đóng cửa lại. Chợt có một thư sinh trẻ tuổi khôi ngô tuấn tú cùng hai tiểu đồng bước vào.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.