Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau bản quyền thuộc về tác giả & nhà xuất bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Trong thời gian làm việc tại Thư viện Thành hội Phật giáo đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, quận 3, tôi gặp được cuốn Tôn Giáo Học So Sánh của Pháp sư Thánh Nghiêm biên soạn. Do muốn tìm hiểu về các tôn giáo trên thế giới đã lâu mà vẫn chưa tìm ra tài liệu, nay gặp được cuốn sách này tôi rất toại ý.

Để hiểu rõ về một tôn giáo đã khó, nắm được tinh hoa của tôn giáo ấy để viết ra cho mọi người đọc lại càng khó hơn, huống gì là hiểu và viết về các tôn giáo lớn trên thế giới. Việc này không phải ai cũng có khả năng làm được. Đọc qua tác phẩm Tôn Giáo Học So Sánh của Pháp sư Thánh Nghiêm, chúng ta mới thấy được kiến thức uyên bác về các tôn giáo của Ngài. Có lẽ, chúng tôi không cần giới thiệu ra đây làm gì, sau khi xem xong độc giả sẽ tự cảm nhận điều đó.

Tuy nhiên, sách viết bằng Hoa ngữ nên việc đọc và hiểu thấu được nghĩa lý của nó cũng có phần hạn chế. Vì muốn góp sức mình cho lợi ích của mọi người, giúp cho Tăng Ni sinh các trường Phật học Việt Nam và các sinh viên chuyên ngành khoa học xã hội có thêm tài liệu tham khảo khi học về môn tôn giáo học, nên tôi đã cố gắng đem hết khả năng của mình dịch ra Việt ngữ.

Vì mỗi tôn giáo đều có những thuật ngữ riêng, cho nên bản dịch này không sao tránh khỏi những khiếm khuyết. Kính mong các bậc cao minh, các vị chức sắc tôn giáo bạn góp ý để cho bản dịch được hoàn thiện hơn.

Bản dịch hoàn thành tháng 10 năm 1995. Xuất bản lần đầu năm 1996. Tái bản lần này (2015) có sự bổ khuyết của chư Tăng chùa Hoằng Pháp. Xin tri ân mọi nhân duyên giúp cho cuốn sách được tiếp tục ra mắt quý độc giả.

Thích Chân Tính

Tôn giáo học so sánh là môn học mới mẻ, không những ở Trung Quốc, mà ở cả các nước phương Tây. Vì vào thế kỷ XVII, các nhà tư tưởng Tây Âu đã có được cơ hội để tự do phê bình tôn giáo, nên một người Anh tên là Edward Herbert (1581 – 1648), trong quyển Những Tôn Giáo Cổ Của Dân Ngoại2, bắt đầu nghiên cứu, so sánh và phê bình các tôn giáo nhất thần truyền thống ở phương Tây. Nhưng mãi đến thế kỷ XIX mới có người đem môn học này phát triển sâu rộng thêm.

Từ thời cận đại đến nay, sách vở liên quan đến vấn đề tôn giáo ngày càng nhiều hơn, nhưng ở Trung Quốc, muốn tìm được một cuốn sách nhập môn tương đối đầy đủ về tôn giáo học so sánh cũng không phải chuyện dễ dàng. Do đó, ngoài việc nghiên cứu Phật học, tôi đặc biệt lưu tâm đến vấn đề tôn giáo học so sánh và dự định biên soạn một cuốn sách về môn học này. Cho đến mùa thu năm 1966, tôi vẫn chưa thể bắt tay vào biên soạn cuốn sách của mình. Học viện Phật giáo Thọ Sơn ở Cao Hùng đã vì tôi mà mở một lớp “Tôn giáo học so sánh”. Nhờ đó, qua hơn nửa năm sau, tôi đã hoàn thành được bản thảo của cuốn sách.

Chính vì môn học này ở Trung Quốc còn rất non trẻ, cho nên sự ra đời của cuốn sách cũng chỉ hy vọng gánh vác nhiệm vụ cung cấp cho người mới học những kiến thức vỡ lòng. Tôi đã đứng trên quan điểm của nhân loại học, xã hội học, lịch sử học và triết học, thảo luận một cách khách quan và giới thiệu một cách đơn giản, từ những tín ngưỡng nguyên thủy của nhân loại cho đến các tôn giáo lớn mang tính toàn cầu.

Thích Thánh Nghiêm

Viết tại Thành phố Đài Bắc,
tháng 04 năm 1968.

Mời các bạn mượn đọc sách Tôn Giáo Học So Sánh của tác giả Thích Thánh Nghiêm.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x