Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Trần Khắc Chung của tác giả Ngô Viết Trọng mời bạn đọc thưởng thức.

Chương 2

Năm Bảo Phù* thứ 3 đời Trần Thánh Tôn*, triều đình đã tổ chức khoa thi Thái học sinh (cuối đời Trần cải danh thành Tiến Sĩ) để tuyển chọn nhân tài giúp nước. Khoa này đã lấy đỗ được ba mươi người. Đỗ Khắc Chung đã may mắn nằm ở danh sách tam khôi: Đào Tiêu người Nông Sơn, Thanh Hoa đỗ Trạng Nguyên, Đỗ Khắc Chung người Giáp Sơn, Hải Dương đỗ Bảng Nhãn, Quách Nhẫn người Yên Dũng, Bắc Giang đỗ Thám Hoa Lang. Hai mươi bảy người khác đỗ Thái học sinh.

Sau khi được vinh dự tên yết bảng vàng, các vị Thái học sinh tân khoa còn được nhận nhiều ân huệ khác nhau theo thứ bậc của vua. Họ được cho dự yến trong cung vua, được thưởng tiền, được cho cưỡi ngựa đi xem nhiều thắng tích, cảnh đẹp của kinh thành. Ân huệ sau hết là được vinh qui, mặc áo gấm vua ban về lạy trước bàn thờ tổ tiên để khoe sự thành đạt của con cháu. Mười năm đèn sách đã biến vũng thành non!

Đối với những người học trò chân trắng, trong sớm tối bỗng chốc bước lên một địa vị cao sang của xã hội, thật chẳng còn vinh dự nào hơn! Cả xã Giáp Sơn đều lác mắt ra khi nghe loa kêu mõ giục họ phải ăn mặc chỉnh tề đi đón quan Bảng Nhãn Đỗ Khắc Chung! Đây là một niềm vinh dự lớn cho họ Đỗ, cho cả xã Giáp Sơn (gồm hai hương Giáp Sơn Thượng và Giáp Sơn Hạ, thuộc tổng Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, lộ Hải Dương).

Thật tình chưa mấy ai quên mới đây vị “quan lớn” ấy còn bị họ đánh giá như là một đứa bé mất nết hư thân. Nhưng lúc này họ phải coi như không nhớ gì chuyện cũ. Họ không thể không hết lòng thán phục sự phục thiện, sự cải sửa, sự chuyên cần dùi mài kinh sử và nhất là tài hoa của họ Đỗ.

Họ không thể không hãnh diện về ông Bảng Nhãn của xã Giáp Sơn, người trẻ tuổi nhất trong các ông Thái học sinh tân khoa. Mai đây nữa, ông Bảng Nhãn sẽ thành rường cao cột cả của quốc gia, ơn vua lộc nước dồi dào, biết đâu họ chẳng có lúc nương bóng? Vì thế, cả xã Giáp Sơn, không phân biệt hương thượng hương hạ, dân chúng đua nhau đóng góp tài vật để tổ chức vui nhộn tưng bừng suốt mấy hôm liền.

Đỗ Khắc Chung ở lại xã được ba tháng thì có chiếu chỉ vua triệu về kinh để bổ dụng. Ban đầu vua Thánh Tôn cho Khắc Chung giữ chức Chi hậu cục thủ, một chức vụ luôn đi theo vua để chuyên lo việc văn thư bút mực. Thấy Khắc Chung thông minh, lanh lẹ, làm việc gì cũng chu đáo, vua Thánh Tôn yêu mến lắm.

Tháng mười năm Mậu Dần*, vua Thánh Tôn nhường ngôi cho Thái tử Khâm (tức vua Nhân Tôn) để lên làm Thái Thượng hoàng. Vua Nhân Tôn thấy Khắc Chung có kiến thức rộng rãi, ăn nói hoạt bát nên phong thêm chức Nhập nội Giảng quan. Nhiệm vụ mới của Khắc Chung là đọc và giảng kinh sử cho hoàng hậu, các hoàng phi và các công chúa nghe.

Nhiệm vụ này rất quan trọng và cũng rất tế nhị, thường chỉ dành cho nữ quan hoặc hoạn quan. Khắc Chung là người từ bên ngoài vào phục vụ trong cung (không phải hoạn quan) nên chức vụ có thêm chữ “nhập nội” để phân biệt.

Từ đó công việc của Khắc Chung trở nên bận rộn hơn. Tùy nhu cầu, khi cần lại vào cung giảng sách. Khắc Chung lúc nào cũng tỏ ra siêng năng, vui vẻ với công việc nên càng được vua Nhân Tôn yêu chuộng. Một hôm vua hỏi Khắc Chung:

-Nghe em trai khanh Đỗ Thiên Hư cũng là một nhân tài, trẫm muốn bổ dụng y, ý khanh nghĩ thế nào?

Khắc Chung thưa:

-Tâu bệ hạ, thần làm anh mà nói tốt về em mình e người ngoài khó tin! Thần sợ mình có thể thiên vị mất nên không dám tiến cử em thần với bệ hạ. Nay bệ hạ đã hỏi đến, thần xin được nói lên cái ý kiến chủ quan của thần: Thiên Hư so với thần thật sự chưa biết ai hơn ai kém. Chỉ tiếc Thiên Hư chưa có cái may mắn về khoa bảng như thần thôi!

Vua Nhân Tôn cười mà nói:

-Khanh nói có lý. Thật ra khanh cũng khá đề cao Thiên Hư đó chứ! Nhưng không sao. Trẫm có bàn với quan Cục Chính rồi. Trẫm sẽ truyền lệnh cho Thiên Hư đến ra mắt quan Cục Chính để tập việc trước rồi sẽ bổ dụng.

Một tháng sau, Thiên Hư được bổ một chức quan nhỏ ở Bộ Công. Với công việc được giao phó, Thiên Hư đã tỏ ra là người có thực tài, hoạt bát, linh mẫn. Tuy nhiên, Thiên Hư đã không thoát khỏi thói ỷ lại, dựa dẫm vào uy tín của người anh. Vẻ ngang tàng hợm hĩnh với các bạn đồng sự của ông đã làm nhiều người không ưa.

Lúc bấy giờ vùng ngoại ô phía Nam thành Thăng Long dân chúng còn khá thưa thớt. Vua Nhân Tôn có ý định cho qui tụ những gia đình sống bằng nghề dệt xây dựng ở đây một khu thị tứ. Khắc Chung vẫn theo hầu vua nên biết trước kế hoạch này.

Đoán chừng vùng này sẽ có hồi trở nên thịnh vượng, Khắc Chung khuyên Thiên Hư phải tìm cách kiếm cho được một khu đất ở đó làm cơ sở. Trong khi dò tìm, Thiên Hư gặp được một khu đất bỏ hoang rộng khoảng mười mẫu.

Người địa phương cho biết đất này trước đây vẫn có trồng trọt, nghe đâu là đất vua thưởng cho một vị quan nào đó. Không hiểu sao mấy năm gần đây không thấy ai canh tác nữa. Sau một thời gian tìm không ra chủ cũ, Thiên Hư bèn thương lượng với quan coi địa phương rồi cho người dọn dẹp và bắt đầu cho xây dựng nhà cửa.

Nhưng công việc của Thiên Hư chưa tới đâu thì bỗng người chủ đất cũ xuất hiện đòi đất lại. Người này xưng là Hà Lập, con của Hà Mân, một viên tiểu hiệu dưới trướng tướng quân Lê Phụ Trần thời Nguyên Phong. Hà Lập nói đất này do chính vua cấp thưởng cho cha y sau chiến thắng quân Nguyên năm Mậu Ngọ* vì có công theo chủ tướng Lê Phụ Trần cứu nguy vua Thái Tôn ngay giữa trận mạc.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x