
Trạng Quỳnh Toàn Tập – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
ÔNG TO ĐẦU ĐẤY VÀ NHỮNG ÔNG TO ĐẦU
Ngôi đất táng xong, nhà họ Nguyễn làm ăn mỗi ngày một khá giả, nên đến đời con là Nguyễn Kỉnh thì làm chức xã trưởng, rồi cai tổng, và là một vị tiên chủ làng Yên-vực.
Nguyễn Kỉnh lấy vợ người họ Lê và sinh ra Nguyễn Quỳnh. Quỳnh là cậu bé rất thông minh, mới 12 tháng đã biết nói đủ điều, và năm lên 4 tuổi đã thuộc lòng rất nhiều thơ phú cùng văn sách. Năm lên 6 tuổi, Quỳnh được cha mẹ chính thức làm lễ thánh sư cho đến theo học một cụ đồ trong làng. Quỳnh học một biết mười, bất cứ sách nào cũng chỉ nghe qua một lượt là thuộc lòng vanh vách, nhưng về tánh tinh nghịch và lười biếng thì cũng không có đứa trẻ nào hơn được.
Quỳnh hay nô đùa với chúng bạn và thường hay tìm cách lừa gạt.
Một buổi tối nọ, Quỳnh đang chơi giỡn với bạn bè, bỗng gọi chúng nó bảo : « Có ông to đầu lạ lùng lắm, tụi bây có muốn đi xem không ? »
Lũ trẻ nghe nói, thích quá nhao nhao lên một lượt : « Ông to đầu đâu mày ? Đâu mày ông to đầu ? »
Quỳnh nghiêm nghị đáp lại : « Ở đâu, ở nhà tao chứ còn ở đâu nữa. Cha tao mới mua ông ấy về ».
Lũ trẻ đồng thanh nói : « Vậy mày dẫn tụi tao đến nhà mày xem đi ! »
Quỳnh lắc đầu : « Tụi bây muốn xem thì phải kiệu tao về, tao sẽ chỉ lén cho mà xem, còn không ông ấy sẽ trốn mất ».
Lũ trẻ nghe xong, vì muốn xem ông to đầu quá nên lấy tay làm kiệu, kiệu Quỳnh về.
Tới sân nhà, Quỳnh xuống kiệu, gọi tất cả vào bếp, bảo lặng yên, rồi tự đi thổi lửa thắp đèn. Đèn thắp rồi, lũ trẻ hỏi : « Ông to đầu đâu mày ? »
Quỳnh lấy tay chỉ vào bóng mình và bóng bọn chúng ở trên vách, nói : « Đấy ông to đầu đấy, vô số những ông to đầu đấy, chúng bây đã thấy to đầu chưa ? »
Lũ trẻ bị lừa, toan xúm lại đánh, Quỳnh đã tắt đèn và hô « ma « làm chúng hoảng sợ, vội vã kéo nhau chạy đi hết.
HAI ÔNG HUYỆN THẠCH VÀ TÚ CÁT BỊ XÓ
Một hôm Quỳnh ra bến đò Thạch chơi, gặp lúc quan huyện Thạch-thành vừa từ dưới đò bước lên, Quỳnh lấy đất ném chơi với chúng bạn, làm trúng ngay vào quan. Quan sai linh bắt lại trước mặt hỏi : « Mày là con cái nhà ai ? »
Quỳnh đáp : « Tôi là con thầy cai Kỉnh ở vùng nầy ? »
– Thế mày đã học hành gì chưa ?
– Học rồi, chớ sao lại chưa học ?
Quan huyện thấy thằng bé bướng bỉnh và trả lời như vậy, liền bảo : « Ừ đã thế, tao ra cho mày một câu đối, đối được thì tha cho, còn không sẽ bị căng nọc ra đánh vì cái tội ném đất vào quan. Mày chịu không ? »
Quỳnh vênh mặt đáp lại : « Tưởng gì, chớ đối thì ai đối chẳng được, quan lớn cứ ra đi ».
Quan huyện ra : « Quan huyện Thạch qua bến đò Thạch ».
Quỳnh nghe xong, chợt thấy con chó vàng đang nhai một cục phân, liền tức cảnh đối lại : « Con chó vàng ăn cục cứt vàng ».
Đem chó đối với quan, đem cứt đối với đò thì thật xỏ xiên hết chỗ nói, nhưng đối rất cân và rất chỉnh từng chữ, nên quan phải phục thầm trong bụng mà tha cho Quỳnh.
Vừa lúc ấy, có ông Tú Cát là người cùng xã với Quỳnh đến. Ông Tú được thấy tận mắt vụ quan huyện, mới lại xách tay Quỳnh lên bảo : « Lợn Cấn ăn cám Tốn ».
Quỳnh ứng khẩu đáp lại : « Chó khôn chó cắn càn ».
Ý ông Tú bảo Quỳnh là con lợn, thì Quỳnh đáp lại, ngụ ý bảo ông là con chó. Lợn đối với Chó, Cấn, Tốn là chữ trong bát quái mà đối với Càn, Khôn thì hay biết kể gì. Bị Quỳnh xỏ lại, ông Tú tức quá, đỏ mặt lên và nói : « Thằng ranh này hỗn quá, tao ra câu nữa, nếu mày không đối lại được thì tao sẽ cho mày mấy roi, và đem mày về mách bảo cho cha mẹ mày hay vì tội mày trốn học đi chơi ».
Quỳnh đáp : « Đối thì đối, chớ có ai sợ đâu ? »
Ông Tú ra : « Trời sinh ông Tú Cát ».
Quỳnh đối ngay : « Đất nứt con bọ hung ».
Trời đối với đất, hung đối với cát, còn gì cân xứng bằng, nhưng xỏ lá ở chỗ đem con bọ hung, một loài sâu dơ dáy để đối với Tú Cát là tên xưng của một vị khoa mục. Ông Tú cũng thừa biết như vậy, nhưng không còn lý bắt bẻ được nên phải cắn răng nuốt hận mà để cho Quỳnh đi…
NGƯỜI ĐỰC KHÔNG ĐẺ, SAO DÊ ĐỰC ĐẺ ĐƯỢC ?
Năm ấy là năm đầu niên hiệu Bảo Thái đời vua Lê Dụ Tôn, các quan Thiên giám (coi về việc thiên văn) thấy ở vùng Đông Nam có văn tinh xuất hiện, liền làm sớ khải vào vương phủ (phủ chúa Trịnh), nhưng không biết văn tinh giáng sinh vào nhà ai, ở xã nào, huyện nào.
Chúa An-đô-vương là Trịnh-Cương sau khi vào chầu vua Lê liền trở về phủ họp các văn võ triều thần để tìm cách tra xét.
Một vị quan hiến kế, xin nhà Chúa đi tuần du các tỉnh miền này và sức mỗi xã phải hiến một con dê đực có chửa bằng không cả làng sẽ bị làm cỏ hết.
Nhà Chúa nghe lời, liền ban chiếu xuống và định ngày xa giá đi tuần.
Thân phụ Quỳnh là Nguyễn Kỉnh lúc ấy đang làm cai tổng, kiêm chức tiên chỉ làng được lệnh trên về, cả mấy ngày đêm, ăn không ngon, ngủ không yên. Dê đực có chửa, thuở xưa thuở nay làm gì có, thôi thì đành chờ cho đầu rơi khỏi cổ, chớ đâu mà đem ra để hiến. Ngày xưa vua Hung-Nô bắt sứ nhà Hán là Tô Vũ giam lại, bảo hễ chừng nào dê đực có chửa thì tha cho về nước, ấy thế mà nhà Hán tìm cả nước Tàu rộng lớn mông mênh còn không thể kiếm được, huống đây một tổng một xã bé con này !…
Quỳnh thấy cha mất ăn mất ngủ, hỏi lý do. Nguyễn-Kỉnh gạt đi, bảo : « Việc nhà vua nhà chúa, trẻ con biết làm gì ? »
Quỳnh đáp : « Thế cha không nghe, ngày xưa đức thánh Khổng-Tử còn phải chịu thua anh Hạng-Thác hay sao ? Không có trẻ con hiến kế thì hỏi làm sao tướng nước Tề xưa là Điền Đan biết dùng hỏa ngưu mà đuổi quân nước Yên ? »
Nguyễn-Kỉnh nghe con nói, giựt mình, cho là có lý rồi đem việc dê đực kể lại. Quỳnh đáp : « Việc ấy khó khăn gì, cha khỏi lo, con đã có kế trong bụng rồi ».
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.