
Trang Trại Hoa Hồng – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Trong gia đình tôi, một năm có hai ngày quan trọng. Ngày cúng tất niên và ngày đại giỗ. Nếp sống ấy có từ ngày cha tôi còn sống.
Cuối năm, từ hai mươi ba tháng Chạp, ngoài trại hoa có hàng chục người làm lo cắt hoa, đóng gói và chở đi cho các bạn hàng. Còn ở nhà chị Thoa gọi thợ lo quét dọn, trang trí lại nhà cửa. Ngày 28 tháng Chạp, nhà tôi cúng tất niên, mời các cụ tổ tiên, người quá cố về chung vui cùng gia đình, con cháu. Ngày cúng Tất niên, nhà tôi làm cỗ mặn, năm nào cũng phải mất trên dưới hai chục nâm. Ngoài người ăn cỗ trong gia đình, tôi còn mời những người làm công cho gia đình trong năm. Một số người làng Lôi theo lời khuyên của cha tôi từ những năm chín mươi vào xây dựng làng kinh tế mới ở một vùng đất tốt cách trại Đầm Vịt chừng bảy cây số.
Mười mấy gia đình làng Lôi vào đây, họ cũng được chính quyền sở tại cho thành lập chi bộ đảng, xây dựng ấp kinh tế mới lấy tên đất quê lập tên làng. Gọi là làng Đồng Tiến trên đất Lâm Đồng. Người làng Lôi vốn chăm chỉ, cần cù chỉ vài năm khai hoang, mở đất, nhà nào cũng có một vài hecta đất trồng cà phê, chè, hồ tiêu, rau màu… Các rẻo đất ven suối Lau, suối Lươn bà con khai phá thành những ruộng lúa nước. Bà con Brâu ở bản ở gần đấy thấy bà con làng Lôi làm ruông, làm rẫy giỏi, học cách làm theo.
Cha tôi còn truyền dậy cho bà con làng Đồng Tiến và người Brâu ở buôn Bo cách trồng hoa. Từ ngày mẹ và bà nội tôi còn sống mỗi mùa hoa đã vào làng, vào buôn mua hoa của họ gom lại bán buôn cho chủ hàng. Nhớ ơn cha mẹ tôi, năm nào người làng Lôi ở thôn Đồng Tiến cũng mang lễ đến thắp hương trên bàn thờ gia tiên.
Đại giỗ của gia đình tôi nhằm vào ngày Vu Lan. Giỗ ông, giỗ bà, giỗ cha, giỗ mẹ được làm trọn trong ba ngày. Có ngày giỗ chay, có ngày giỗ mặn. Khách đến ăn cỗ vẫn là người trong gia đình và bạn bè của cha tôi, của tôi. Ngày đại giỗ được chuẩn bị chu đáo trước cả tháng.
Trong ngày giỗ nhân dịp lễ Vu Lan, nhiều năm nay luôn có mặt những người bạn thân thiết của gia định tôi là Thầy Năm Bê. Thầy là bạn của cha tôi, là thầy dạy của tôi ở đại học. Người thứ hai là chị Thi.
Chị là người chị kết nghĩa của tôi. Những ngày mẹ con tôi sống ở Nha Trang, tôi là ”cái đuôi” của chị, lúc mẹ tôi phải sống nhờ trong ngôi nhà của gia đình chị ở núi Đá Chẹt. Ngày giỗ cha mẹ tôi, bận mấy chị cũng thu xếp công việc để lên với tôi. Người thứ ba ít vắng mặt ngày đại giỗ là chú Hoài, một người cùng đơn vị với cha tôi ở chiến trường Trị Thiên. Chú Hoài nhiều lần tự nhận là ”lính” đi bảo vệ ”cho đại đội phó Đệ”.
Chuyện quản gia trong nhà, kể cả chuyện cúng giỗ, tôi giao cả cho Thoa. Nhiều năm nay, Thoa đã là một thành viên quan trọng trong gia đình tôi. Thoa ít hơn tôi ba tuổi, là đứa con ngoài giá thú của lão Ca với một người đàn bà chuyên đi cất vó tôm và đặt ống lươn ở làng Vàng. Trong những năm làm quản trang ở nghĩa địa làng Lôi, lão Ca quan hệ vụng trộm với người đàn bà này. Nghe người làng Lôi kháo nhau, chị ta ngớ ngẩn. Nói năng ngọng nghịu, ngoài ba mươi tuổi vẫn chẳng ai chịu lấy. Trong những đêm mưa gió, ở căn nhà nhỏ ngoài cánh đồng, lão Ca đã lừa được người đàn bà cô đơn. Ai ngờ chị đã sinh cho lão một đứa con gái. Lúc còn nhỏ, Thoa học cũng không được, thi mấy lần không qua khỏi cấp I, nhưng trời phú cho cố bé có bàn tay khéo léo, đan lát giỏi.
Sau ngày lão Ca và mẹ chết, Thoa phải đi làm thuê cho người làng. Một lần, tôi về vùng quê Đồng Tiến, nghiên cứu mặt hàng mây tre xuất khẩu, tôi đã phát hiện ra Thoa và đưa cô bé về trại Đầm Vịt để giúp việc cho gia đình.
Những ngày gia đình có việc cúng giỗ, có hai việc tự tay tôi làm là chăm sóc, thắp hương năm ngôi mộ ở một khoảng rừng phía sườn đồi và lau chùi bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên. Mỗi lần ra mộ thắp nhang, ngồi tha thẩn quanh những ngôi một xây bằng đá xanh tôi có cảm giác như thể bà nội tôi, cha tôi, mẹ tôi và ông bà ngoại đang lẩn khuất đâu đó sau những tán cây rừng. Tháng bảy, vùng Đầm Vịt hay có những trận mưa rào.
Trên các triền đồi, khe suối dọc theo con đường đất đỏ, hoa dã quỳ nở vàng rực. Thung lũng mọc đầy cỏ lau, đang trổ bông như ngàn vạn ngọn cờ phấp phới theo gió. Những cánh rừng thông, những vườn cao su , hồ tiêu, cà phê, những đồi chè no nước, xanh ngằn ngặt. Không gian tĩnh lặng. Vẳng lên tiếng chim chích chòe, tiếng chim “bắt cô trói cột” đâu đó ở phía lèn đá, dưới bờ khe. Bãi Đầm Vịt mùa khô cạn nước, trông như cái ao nhỏ lọt thỏm giữa núi đồi cao nguyên điệp trùng. Đến mùa mưa, nước từ các khe suối chảy về, Đầm Vịt biến thành một hồ nước mênh mang.
Từ những ngày còn nhỏ, tôi đã được cha đưa đi theo xem ông đặt bẫy nhím, bẫy thỏ, đi đào dúi trong rừng, lội dọc theo các con đường mòn ven hồ rình bắn vịt trời, le le…Ông kể cho tôi nghe những chuyện ngày nhỏ ông đi theo mẹ mót khoai mùa nước, đi tát nước, nhổ mạ. Ngày cha tôi học cấp 2, cấp 3 ông cùng bạn bè đi trồng cây, ngày mùa thầy trò đi xếp ải. Mỗi tuần học trò phải có một buổi lao động tay chân. Khi máy bay Mỹ bỏ bom quê tôi, cha tôi đã từng phải đi đào hầm để tránh máy bay. Có lần, cha tôi quên đội mũ rơm đến trường, ông bị thầy giáo phạt. “- Mũ rơm là chi cha?”.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.