
Trồng Rau Gia Vị – Rau Ăn Sống An Toàn – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Trồng Rau Gia Vị – Rau Ăn Sống An Toàn của tác giả Nguyễn Thị Minh Phương mời bạn thưởng thức.
II. RAU AN TOÀN VÀ CÁC NGUYÊN TẮC CANH TÁC RAU CÓ NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG CAO
1. Thế nào là rau an toàn?
Khái niệm này được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra với các góc độ khác nhau. Tuy nhiên, điểm thống nhất chung là: Sản phẩm rau được xem là an toàn (hay rau sạch) khi đáp ứng được các yêu cầu sau:
Một là:
Sạch, hấp dẫn về hình thức: tươi, sạch bụi bẩn, tạp chất.
– Thu đúng độ chín – khi có chất lượng cao nhất, không có triệu chứng sâu bệnh.
– Có bao bì hợp vệ sinh, hấp dẫn.
Hai là: Sạch, an toàn về chất lượng: Khi sản phẩm rau không chứa các dư lượng dưới đây vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn vệ sinh y tế:
– Dư lượng thuốc BVTV;
– Dư lượng Nitrat;
Dư lượng kim loại nặng;
Vi sinh vật gây bệnh;
Yêu cầu thứ 2 phụ thuộc vào trạng thái môi trường canh tác và kỹ thuật trồng trọt, là yếu tố quyết định rau an toàn hay ô nhiễm.
2. Các quy định chung trong sản xuất rau an toàn
Ngày 19 tháng 1/2007 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT có Quyết định số 04/2007/QĐ/BNN “Qui định về sản xuất, quản lý, công nhận và chứng nhận rau an toàn”. Đây là văn bản Nhà Nước hết sức quan trọng trong quản lý sản xuất và lưu thông rau ở nước ta. Ngoài phần “Quy định chung” và “Yêu cầu chất lượng của rau an toàn” còn có các quy định: “Điều kiện để sản xuất rau an toàn”; “Quản lý và tổ chức sản xuất rau an toàn”; “Tổ chức kiểm tra và giám sát, công nhận và chứng nhận rau an toàn” và “Tổ chức lưu thông và tiêu thụ rau an toàn”. Trong văn bản đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân sản xuất rau, quản lý chất lượng rau, chứng nhận sản phẩm rau an toàn,… Như vậy, những người liên quan tới hoạt động này cần phải biết và làm đúng theo quy định của văn bản.
Như đã trình bày ở trên, việc xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn và quy hoạch vùng sản xuất cần căn cứ vào điều kiện môi trường và tập quán canh tác của từng vùng. Do nước ta trải dài trên 15 vĩ độ với những điều kiện sinh thái đa dạng và trình độ thâm canh của nông dân từng vùng có khác nhau, một quy trình để áp dụng cho mọi vùng là thiếu căn cứ khoa học. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc lập bản đồ hiện trạng ô nhiễm môi trường canh tác trên cả nước với những thông số luôn biến đổi cũng là một khó khăn đối với các nhà chuyên môn. Những tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng các sản phẩm rau xanh cho người Việt Nam cũng chưa được xây dựng và ban hành. Trước tình hình trên, Viện Nghiên cứu Rau quả đã xây dựng một quy trình chung mang tính nguyên tắc trong sản xuất rau an toàn dựa trên kết quả nghiên cứu của Viện và của nhiều chuyên gia trong nước. Quy trình này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho áp dụng trong sản xuất theo Quyết định số 1208 KHCN/QĐ ngày 15/7/1996.
2.1. Chọn đất
Đất trồng rau phải là đất cao, dễ thoát nước, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của rau. Tốt nhất là đất cát pha hoặc thịt nhẹ, hoặc thịt trung bình, có tầng canh tác dày. Đất để sản xuất rau an toàn không trực tiếp chịu ảnh hưởng xấu của các chất thải công nghiệp, giao thông, khu dân cư tập trung, bệnh viện, nghĩa trang, không nhiễm hoá chất độc hại cho người và môi trường (đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7209: 2000).
Đối với các loại rau ưa ẩm như ngổ, mùi tàu thì có thể chọn chân ruộng thấp. Chân ruộng cao ráo, dễ thoát nước nhưng dễ tưới tiêu thì để trồng các loại húng, tía tô, kinh giới, rau răm, xà lách, hành, tỏi,… Đất phải được cày bừa kỹ, nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1,1m, cao 20-30cm. Cây mùi tàu dễ bị bệnh thối gốc do đó nên tưới vừa đủ ẩm, không tưới quá nhiều, mặt khác, hàng năm nên trồng luân canh để tránh nguồn bệnh tồn dư từ vụ trước. Mùi tàu không ưa ánh sáng trực xạ quá mạnh, do đó cần làm giàn phên nứa, tranh hoặc lưới nylon che bớt 50% ánh sáng trực xạ thì mới cho năng suất cao.
2.2. Nước tưới
Vì trong rau chứa trên 90% nước nên nước tưới ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm. Cần sử dụng nước sạch để tưới. Nếu có điều kiện nên sử dụng nước giếng khoan nhất là vùng trồng rau xà lách và các loại rau gia vị. Ngoài ra, có thể tưới nước từ các sông, ao, hồ không ô nhiễm. Tuyệt đối không dùng trực tiếp nước thải từ công nghiệp, thành phố, bệnh viện, khu dân cư, nước ao mương tù đọng. Nguồn nước phải được giám sát hàng năm (đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6773: 2000).
Rau gia vị rất cần tưới thường xuyên, nhất là thời kỳ mới trồng và thời kỳ cây đang lớn nhanh, nên tưới theo rãnh cho ngấm dần vào luống là tốt nhất, tránh tưới phun từ trên xuống dễ làm cho đất và vi sinh vật bám vào thân, lá.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.