
Truyện Kiều Nguyễn Du – Đọc sách online ebook pdf
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Theo cái thuyết phổ-thông nói về nhân-quả trong đạo Phật, thì hai chữ nhân và quả rất là nặng, và người ta thường lấy thuyết ấy mà giải-thích mọi việc ở trong thế-gian này. Người ta cho là ở đời bất cứ việc gì hay dở, lớn nhỏ, đều là cái quả của một cái nhân tự mình đã tạo-tác ra.
Cái thuyết nhân-quả cốt ở chữ nghiệp, bên nhà Nho gọi là chữ mệnh. Chữ nghiệp đây không có nghĩa như bên nhà Nho thường dùng để chỉ công-việc của người ta làm, như là sự-nghiệp, công-nghiệp, nghệ-nghiệp hay nghiệp-nông, nghiệp-thương v.v… Chữ nghiệp của nhà Phật là dịch theo cái nghĩa tiếng phạm Karman, tức là những việc đã làm kiếp trước kết-thành cái quả kiếp sau.
Theo cái lý-thuyết ấy, thì sự-sống, sự chết của vạn vật chỉ là sự ẩn-hiện, thân-khuất của cái phần bất sinh bất diệt ở trong vạn vật mà thôi, chứ không phải là một sự hết hẳn. Cho nên mới có câu rằng :
Thác là thể-phách, còn là tinh-anh.
Phàm là cái hình-hài là phần vật-chất, thì tất-nhiên phải thay-đổi luôn, có có, không không, không có gì là thường-định. Còn cái phần bất sinh bất diệt, thì ta có thể gọi là tinh-anh, là thần-thức hay là linh-hồn của vạn vật, nó cứ luân-lưu ẩn-hiện theo cái lẽ nhân-quả nhất-định. Bởi thế mà thành ra có chữ luân-hồi, tức là chết đi, lại sinh ra, sinh ra lại chết đi, chìm-nổi lăn-lộn mãi ở chỗ phong-trần cặn-đục.
Khi cái thần-thức ở trong một cái hình-hài thoát ra, là đeo lấy một cái nghiệp. Cái nghiệp ấy là cái kết-quả của những công-việc mình đã làm ở kiếp vừa hết ; mình lại mang cái nghiệp ấy mà hiện ra kiếp khác để hưởng-thụ hay chịu lấy cái phúc hay cái họa đúng với cái nghiệp ấy. Nghĩa là việc của mình đã làm ra ở kiếp trước, lập-thành cái nhân cho đời hiện-tại, mà đời hiện-tại là cái quả của việc mình đã làm ra ở kiếp trước. Bởi vậy trong sách NHÂN-QUẢ có câu nói rõ rằng : « Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị ; dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị 欲知前世因,今生受者是,欲知來生果,今生作者是 », nghĩa là muốn biết cái nhân ở kiếp trước, thì xem sự hưởng-thụ ở đời này thì biết ; muốn biết cái quả kết-thành ở kiếp sau thì xem cái việc làm ở kiếp này thì biết.
Nhân nào quả ấy, hết quả này lại đeo cái nhân đã gây nên mà có cái quả khác. Nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu, cứ luân-chuyển mãi như thế ở trong cõi hồng-trần.
Nhân-quả với nghiệp thành ra như cái nợ mình vay, cứ vay vay, trả trả mãi không hết. Cái nghiệp cũng thế, có cái nghiệp nặng, có cái nghiệp nhẹ. Mỗi cái nghiệp là cái quả của kiếp trước và lại làm cái nhân cho kiếp sau, rồi cứ mãi thế, trừ khi nào tu được thành Phật, gỡ hết cái nghiệp-chướng, thì cái thần-thức mới vào được chỗ tĩnh–tịch thường-định.
Theo cái lý-thuyết ấy, thì phàm phúc hay họa là ở tự mình gây ra cho mình. Mình đã có cái hoàn-toàn tự-do mà làm việc thiện hay việc ác, thì mình lại có cái hoàn-toàn trách-nhiệm về những việc ấy. Ông trời là đấng thiêng liêng giữ cái công-lệ ở trong vũ-trụ cho đúng, tựa như ông quan tư-pháp cứ theo pháp-luật mà định thưởng-phạt cho công-bằng, không có tây-vị ai cả, và không có thể cho họa làm phúc, hay phúc làm họa được. Vậy nên có câu rằng :
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
CÁI THUYẾT NHÂN-QUẢ DIỄN RA TRONG TRUYỆN KIỀU
Cái thuyết nhân-quả của Phật học là thế. Đem cái thuyết ấy mà so với một đời nàng Kiều, thì thấy không có chỗ nào là không đúng.
Cô Kiều là con nhà tử-tế, có nền-nếp, có tài, có sắc, học-hành thông-minh, biết điều nhân-nghĩa phải trái. Thật là « Đầu xanh chưa tội-tình gì ». Thế mà ngay từ bước đầu, bước vào cuộc đời là gặp rặt những nỗi đoạn-trường, là tại sao ? Tại cô có cái nghiệp rất nặng, cho nên cái tên của cô đã đứng ở trong sổ đoạn-trường rồi.
Cô đã có cái nghiệp nặng nằm sẵn ở trong mình. Cho nên từ lời nói cho chí tiếng đàn đánh ra, đều có cái giọng đau-đớn, sầu-khổ. Người đã có cái nghiệp như thế, tất là đa tình đa cảm. Hai cái đó là cái mồi vô hình, cái dây vô tướng, để nhử người ta vào những chỗ đúng với cái nghiệp của mình.
Cô đa cảm cho nên đi Thanh-minh, người khác trông-thấy mả cô Đạm-Tiên thì không ai để ý đến, mà cô trông-thấy thì động lòng, đứng lại hỏi cho biết chuyện. Biết chuyện rồi cô lân-la than-khóc vì nỗi hồng-nhan bạc-mệnh. Cô đa tình, cho nên khi mới trông-thấy chàng Kim Trọng lần đầu mà đã dan-díu mối tơ-tình, để về sau trong mười mấy năm trời, đeo lấy bao nhiêu nỗi sầu-khổ.
Cái khởi duyên một đời cô Kiều, tác-giả đã báo trước cho độc-giả biết ở giấc chiêm-bao sau khi đi Thanh-minh về.
Việc tình-duyên đang dở-dang, thì tình-nhân phải gọi về quê xa. Việc tình chưa xong, việc nghĩa tiếp đến. Không dưng, cha mắc tụng-đình, cửa-nhà tan-nát.
Bao nhiêu cái cơ-hội lúc ấy xoay cả vào một việc làm cho cô Kiều phải đi đến chỗ đau-khổ. Nếu không thì việc Kim Trọng về quê hoãn lại mấy ngày, sao đến nỗi Kiều phải bán mình chuộc cha ? Mà đã phải đi vào con đường ấy, sao không gặp ai, mà lại gặp Mã Giám-sinh. Nhưng cái dây nghiệp-chướng cứ mỗi lúc một thắt chặt lại, bắt phải như thế. Người nào vào cái tròng ấy, muốn cựa-cạy thế nào cũng không gỡ ra được.
Nỗi đau đớn của nàng Kiều làm lây đến người đọc truyện của nàng. Người ta càng biết rõ cái lòng hiếu-thảo của nàng, càng trông-thấy nàng cố sức vật-lộn với cái số-mệnh bao nhiêu, thì lại càng đau-khổ với nàng bấy nhiêu, và lại càng sợ-hãi về cái nghiệp duyên nó thắt-buộc người ta ghê-gớm quá.
Có người nói rằng việc chẳng may của cô Kiều là một sự ngẫu-nhiên, chứ lấy gì mà bảo là nghiệp duyên ?
Vậy xin hỏi lại rằng ngẫu-nhiên là cái gì ? Chẳng qua khi ta trông-thấy một việc gì, mà ta không hiểu căn-duyên từ đâu, thì ta lấy hai chữ ngẫu-nhiên (le hasard) mà nói cho xuôi chuyện. Ngẫu-nhiên tức là không biết, chứ không có nghĩa gì cả.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.