
Tự Vệ Tri Thức – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Tự Vệ Tri Thức của tác giả Noam Chomsky mời bạn thưởng thức.
Ta hãy cứ giả dụ rằng an sinh xã hội sẽ có vấn đề về tài chính trong vòng 40 hoặc 50 năm nữa. Vậy chúng ta có thể làm gì? Có những giải pháp dễ dàng mà hiếm khi được bàn đến. Ví dụ, thuế thu nhập để đóng góp vào quỹ an sinh xã hội hiện nay là rất ngược đời. Bất kì thu nhập nào trên mức 90 ngàn đôla một năm là không phải đóng thuế nữa, có nghĩa là người giầu và có đặc quyền đặc lợi đang được đi tầu không mất vé. Đây có phải là qui luật tự nhiên không, khi một nhúm người giầu phải được miễn vé như thế? Chỉ cần bỏ cái ngưỡng miễn thuế kia đi là sẽ không còn một vấn đề tài chính nào của an sinh xã hội nữa, trong hàng nhiều năm tới.
Những người đang gào thét về cuộc “khủng hoảng” an sinh xã hội cũng nói rằng tỉ lệ người lao động với người hưu trí đang xuống thấp dần, có nghĩa là những người đang làm việc hôm nay sẽ phải trợ giúp ngày càng nhiều người hưu trí hơn. Điều này thì đúng, nhưng lại chẳng có can hệ gì ở đây. Con số mà chúng ta cần xem xét phải là cái vẫn được gọi là tổng tỉ suất ăn theo hoặc tổng tỉ suất phụ thuộc kia, tức là tỉ lệ của số người đang lao động trên tổng số dân, chứ không phải chỉ là số hưu trí.
Ta hãy thử lấy một thế hệ nổi tiếng vẫn được gọi là “baby boomers” [6] xem nó ra làm sao. Chúng ta sẽ trả tiền hưu trí cho thế hệ này như thế nào? Ai đã trả tiền nuôi nấng dậy dỗ họ từ khi họ ra đời cho đến khi vào lứa tuổi hai mươi? Ta đã phải chăm sóc họ hệt như ta sẽ phải chăm sóc mẹ già của mình thôi. Nếu nhìn lại những năm 1960, khi thế hệ này bước vào tuổi trưởng thành, thì thực tế là ta còn thấy có một bước gia tăng rất lớn của các chương trình tài trợ học đường và giáo dục nuôi dưỡng trẻ em, ở một thời điểm mà chính phủ còn có ít thu nhập hơn hiện nay rất nhiều. Nếu ta đã có thể chăm sóc được thế hệ baby boomers khi chúng còn là trẻ con, thì tại sao ta lại không thể chăm sóc được chúng khi chúng trên sáu mươi tuổi? Chuyện này không khó khăn hơn tí nào. Cái khó này là giả tạo, là bịa đặt. Đây chỉ đơn thuần là vấn đề ưu tiên tài chính mà thôi. Trong thực tế, vì Hoa Kỳ ngày nay là một nước giầu có hơn rất nhiều so với những năm 1960, chuyện chăm sóc những người này nhẽ ra phải dễ dàng hơn mới phải.
Như vậy, nhẽ ra bài báo kia phải viết thế này mới đúng: rằng một nhà kinh tế học xuất sắc của Harvard đang đưa ra một cách diễn giải cực đoan về ý thức hệ có thể bộc lộ những thiên kiến cá nhân hoặc những áp lực nào đó khác đối với ông, nhưng chẳng đả động được gì nhiều tới vấn đề. Hệ thống không hề đang trên đà đi tới thảm họa. Còn nếu nói đến vấn đề khó khăn của an sinh xã hội, thì đang có nhiều cách khác nhau để giải quyết nó. Và một nhà báo nghiêm túc sẽ phải biết đặt câu hỏi, rằng “Vậy động cơ của phong trào đòi xóa bỏ an sinh xã hội là gì?” Cái đó thì ai cũng nhìn thấy. Cái “giải pháp” hàng đầu cho cuộc “khủng hoảng” an sinh xã hội là những tài khoản đầu tư cá nhân. Thay vì một hệ thống chính phủ rất hữu hiệu, với các chi phí hành chính rất thấp, chúng ta đang đi theo hướng có một hệ thống cần những chi phí hành chính rất đáng kể, nhưng lại là những chi phí sẽ được chuyển vào những cái túi thích hợp, tức là các công ty ở Wall Street và những hãng quản trị tài chính khổng lồ.
Nhưng còn có một chuyện liên quan nữa sâu sắc hơn nhiều. An sinh xã hội được xây dựng trên nền tảng của một nguyên lí được coi là phiến loạn và cần phải được tẩy sạch khỏi trí não của mọi người: ấy là cái nguyên lí rằng ta phải biết quan tâm lo lắng đến người khác. An sinh xã hội dựa trên một giả định thức rằng chúng ta biết quan tâm lẫn nhau, rằng chúng ta có một trách nhiệm chung phải chăm sóc những ai không thể tự chăm sóc được mình, cho dù là trẻ nhỏ hoặc ông già bà cả. Chúng ta có một trách nhiệm xã hội phải chi trả cho trường học, nuôi dưỡng hệ thống nhà trẻ, và đảm bảo rằng bất kì ai làm công việc nuôi dạy trẻ, kể cả các bà mẹ, cũng sẽ được hỗ trợ để làm tốt việc ấy. Đó là một trách nhiệm cộng đồng, và trong thực tế, cộng đồng được hưởng lợi chung nhờ có trách nhiệm ấy.
Có thể là từng cá nhân thì ta không thể nói rằng “Tôi được lợi vì đứa trẻ kia được đến trường”, nhưng với toàn xã hội thì là như vậy. Điều này đúng với cả việc chăm sóc người già. Nhưng cái ý tưởng ấy cần phải được loại bỏ khỏi đầu óc của mọi người. Đang có một áp lực khổng lồ muốn biến dân chúng thành một bầy quỉ bệnh hoạn chỉ biết quan tâm đến bản thân, không muốn dính gì đến bất kì ai khác, và do vậy có thể bị cai trị và kiểm soát một cách dễ dàng. Đó chính là cái đứng đàng sau cuộc tấn công vào hệ thống an sinh xã hội. Và nó phản ánh một động cơ rất sâu xa đang xuyên suốt toàn bộ hệ thống học thuyết hiện nay.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.