Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Tướng Lĩnh VN Thế Kỉ 20 Qua Lời Kể Của Người Thân của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng mời bạn thưởng thức.

Đại Tướng Văn Tiến Dũng

Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 – 2002) quê ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, kết nạp Đảng năm 1937, nhập ngũ năm 1945. Ông được phong Đại tướng năm 1974.

Những năm 1943, 1944, ông làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Hà Đông, Bắc Ninh, Ủy viên Thường vụ rồi Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhiều lần ông bị thực dân Pháp bắt giam. Tháng 1 năm 1945, ông bị kết án tử hình vắng mặt.

Ông làm Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, phụ trách tổ chức chiến khu Quang Trung, chỉ đạo vũ trang giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, từ tháng 11 năm 1945 đến năm 1946, ông làm Chính ủy Chiến khu 2. Từ tháng 12 năm 1946 đến năm 1949, ông làm Cục trưởng Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Từ tháng 10 năm 1949 đến năm 1950, ông làm Chính ủy Liên khu 3.

Giai đoạn 1951 – 1953, ông làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đại đoàn 320. Tháng 11 năm 1953, ông là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên hiệp đình chiến thi hành Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam.

Từ năm 1954, ông làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch: Đường 9 – Nam Lào (1971); Trị Thiên (1972); Tây Nguyên (1975); Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (4-1975).

Giai đoạn 1980 – 1986, Đại tướng Văn Tiến Dũng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (1984 – 1986).

Đại tướng Văn Tiến Dũng là tác giả của nhiều tác phẩm quân sự như: “Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam”…

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa III đến khóa VI (Ủy viên dự khuyết khóa II), Ủy viên Bộ Chính trị (3-1972) khóa IV, V (Ủy viên dự khuyết khóa III), Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.

Đại tướng Văn Tiến Dũng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Nhì), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…

(Nguồn: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, trang 1160)

MÃI KHẮC GHI NHỮNG LỜI CHA DẶN

Vũ Trọng Đại

Theo đề nghị của tôi từ lần gặp trước, cô Văn Tuyết Mai cho tôi xem những album ảnh của gia đình. Bà Nguyễn Thị Kỳ [1], hệt như lần trước, ngồi cạnh cô Mai và theo dõi chăm chú. Thỉnh thoảng bà lại nói điều gì đấy về những bức ảnh mà bà đặc biệt ghi nhớ. Hoặc những mẩu chuyện không đầu không cuối khi ký ức bất chợt hiện về. Sau hồi lâu vừa xem ảnh vừa trò chuyện với cô Mai và bà Kỳ, tôi cũng chọn được một số ảnh minh họa cho sách. Tôi nhận ra hai điều: đầu tiên là tính cẩn thận của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Hầu như sau mỗi bức ảnh đều có bút tích của ông, ghi rõ ảnh chụp bao giờ, ở đâu. Không chỉ ảnh khi làm việc, công tác mà ngay cả ảnh sinh hoạt đời thường cũng vậy. Về đức tính ấy của tướng Dũng, sau này tôi đã được một người khác xác nhận [2]. Điều thứ hai, tôi thấy lạ là trong cả mấy cuốn album, không có bức ảnh nào chụp được đầy đủ cả gia đình. Cô Mai giải thích: gia đình thời chiến không phải lúc nào cũng sum họp được. Đại tướng Văn Tiến Dũng có 6 người con (3 trai, 3 gái) thì hầu như người nào từ nhỏ cũng đã vào trường thiếu sinh quân, lớn lên đi bộ đội rồi mỗi người công tác một nơi nên chẳng mấy khi cả nhà ở cùng một chỗ với nhau.

Xếp gọn lại mấy quyển album, cô Mai bắt đầu kể chuyện về cha mình. Có vẻ như cô không biết nên bắt đầu từ đâu. Trầm ngâm một lúc, cô bắt đầu nói về tính cách của cha. Cha cô là người điềm tĩnh, hiền nhưng nghiêm khắc. Bình thường ông hay tươi cười nhưng khi trách phạt lại rất nghiêm nghị. Ông đang cười nói nhưng nếu nghiêm giọng lại thì người nghe hiểu là có chuyện. Ông không mắng mỏ những người mắc lỗi mà gọi người đó ngồi đối diện, rồi từ tốn phân tích khuyết điểm và nêu cách sửa chữa. Trong gia đình hay khi ở ngoài cũng vậy. Nếu con cái mắc lỗi, ông xử lý như với cấp dưới. Như có lần con trai ông là Văn Tiến Trình, khi chưa đi bộ đội thì nghịch ngợm lắm, thế là ông gọi vào phòng làm việc, đóng cửa lại để chỉnh huấn. Những lúc như thế dù biết là không bị bố nạt nộ gì đâu nhưng con ông ai cũng sợ. Nói đến đây, cô Mai so vai, le lưỡi rồi nhìn sang mẹ. Bà Kỳ mỉm cười, không nói gì.

Tính điềm tĩnh ấy cũng khiến ông chịu khó lắng nghe, suy nghĩ cẩn thận trước khi trả lời hoặc trao đổi với người khác.

Tướng Dũng thương con cái. Thương con nhưng không chiều con. Ông dạy con tính tự lập, không ỷ vào địa vị của bố. Ông thể hiện tình thương của mình với các con bằng sự quan tâm đến chuyện học tập ở trường hay việc phấn đấu ở đơn vị. Những lúc có thời gian rảnh, không bận bịu với các chiến dịch hoặc đi chiến trường, ông thường đi xuống địa phương thăm các đơn vị bộ đội để nắm tình hình, nhất là đi thăm hỏi những cơ sở cách mạng ngày xưa, như Mỹ Đức (Hà Đông), Trung Mầu (Gia Lâm), Cổ Loa (Đông Anh), và ông dẫn các con theo cùng. Hay vào các cuối tuần, nếu không bận, ông thường đưa cả gia đình đi tham quan các danh lam thắng cảnh quanh Hà Nội như chùa Trầm, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Hương… Ông thích thăm chùa chiền vì ngày trước lúc còn hoạt động cách mạng bí mật, ông từng ở chùa gần ba năm khi mất liên lạc với tổ chức. Khi đó, ông giả trang thành nhà sư ở chùa Bột Xuyên (Mỹ Đức, Hà Đông), ngày ngày tụng kinh gõ mõ, tối đi tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x