
Tuyển Tập Truyện Ngắn Trần Kim Trắc – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Tuyển Tập Truyện Ngắn Trần Kim Trắc của tác giả Trần Kim Trắc
Con của chồng
Chuyện thời nay nhưng giống hệt chuyện xưa, như ông bà ta thường nói: lịch sử lặp lại mà! Nên phải viết theo thể văn xưa đọc ngân nga dung dị nghe mới vui.
Việc thành lập nông trại, khuyến khích kinh tế nông thôn phát triển gần đây mới nghe nhựt trình nói, nhưng thực ra cốt cách từ thuở cha ông đi mở nước vẫn lưu cửu trong huyết quản đến lớp hậu duệ chít, chắt, cháu, con, nên còn nhiều lắm những lão nông tri điền.
Tư ó vốn thuộc thành phần ấy. Bạn bè từ thuở lớp ba trường làng hỏi
– Tại sao tiền của có, cấp bằng chỉ thiếu một năm là đỗ đại học, tiếng Hoa có thể đọc sách Khổng Tử, tiếng Pháp lúc nào cũng kê đầu giường tác phẩm của Đuma con, nhà cửa tiện nghi không chịu ở, lại đi lên rừng khai khẩn?
Tư ó đáp, để rồi xem Nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ.
Bữa nào có rảnh rỗi, các cha lên trển chơi với tôi, sẽ thấy mấy đứa chăn bò đàn của tôi toàn là dân văn phòng ở thành phố, thất nghiệp hồi kỳ hợp tác xã thủ công dẹp tiệm, và mới đây suy thoái kinh tế, khi các con rồng châu á gặp khó khăn, khu chế xuất giải thể bớt công nhân tôi đã chẳng vừa vớt các em lên trên ấy đầy một xe 12 chỗ ngồi.
– Chắc trăm phần trăm là con gái hả?
– Tất nhiên, làm xưởng sấy chuối, đến mùa lại sản xuất long nhãn, cần phải chọn người sạch sẽ, khéo tay như thợ may ấy chớ! Làm ăn như vậy, sau này có đối tác nước ngoài muốn đầu tư đến xem, họ mới chịu bỏ của ra làm ăn với tôi chứ!
Vào đây làm được trả lương, được học nghề, sau ba năm, nếu biểu hiện tốt sẽ cho ra làm chủ, trang trại sẽ tạm ứng cho con giống, vật tư, kinh phí hoạt động trả dần bằng sản phẩm để tự làm chủ.
Nhưng có điều kiện: phải cố gắng làm việc vì lợi ích của trại, không được lười biếng, không tham ô, không phá làng xóm để dân phiền trách. Nếu sai phạm sẽ không được ưu tiên như trên và cho nghỉ việc.
Mô hình 3 năm làm công nhân nông nghiệp được ra làm chủ thành hiện thực đã ba vụ.
Riêng năm trước, có trường hợp phá lệ, một cô gái được ưu đãi cá biệt mới hai năm được ra làm chủ – Miếng đất hơi xa, nhưng đất tốt gần suối, ông chủ lại tạm ứng cho một gian nhà xây đơn sơ cửa nẻo kín đáo, có 3 gian chuồng nuôi lợn sinh sản…
Người ta xầm xì: hồi mới ra riêng không thấy gì, nhưng gần đây thấy cô ấy mặc váy rộng, cần cổ cao, lông mày dựng, đi đứng khó khăn vì đứng thẳng vướng bụng không nhìn thấy ngón chân cái.
Chuyện ấy ở trên rừng, bà Tư ó làm sao biết được, chỉ thấy một tuần hoặc nửa tháng xe ông Tư ó về một lần – chở theo nào lợn sữa để quay, mít, đu đủ, chuối, nhãn, sầu riêng, cà phê… và phong lan rừng nữa – nên bà vẫn vui vẻ trông coi nhà cửa, mỗi lần ông về như đêm động phòng huê chúc.
Tư ó xưa nay vốn kẻ chung tình, xót nỗi đường xá xa xôi, chưa già mà cô đơn trên chốn khỉ ho cò gáy bên góc rừng thưa như cảnh ngộ anh lính thủy viễn dương lênh đênh trên mặt biển, cả tháng cả quý không có gái để giải sầu,
Lúc cái thằng người tự nhiên của tạo hóa nó lồng lên chẳng chịu nằm yên, bèn mượn đỡ vài giọt chung tình đem tạm ứng những tưởng mây mưa rồi sẽ tạnh, nhưng tạo hóa cũng chơi khăm, hạt có gieo thì mầm có nẩy.
Kẻ hảo hớn dám làm dám chịu nên Tư ó không thể đành tâm hát bài tẩu mã để phận má hồng chịu cảnh trái ngang – Ông chủ trang trại suy đi tính lại, kế vẹn toàn không cách nào hơn rút ngắn thời gian 3 năm còn hai, để xây ổ cho nàng ở cữ lần này, và sẵn ổ đẻ sau này.
Lịch sử lập làng lập ấp xưa nay không thấy có thống kê có bao nhiêu cụm dân cư khởi thủy từ mỗi một mầm sống ban đầu trôi giạt đến một nơi hoang vu nào đó dựng lều, gieo hạt,
Dần dần sinh con đẻ cái đông đủ lên thành xóm thành thôn rồi đặt thành tên làng có chữ “Nhân” chữ “Nghĩa” chữ “Hưng” chữ “Thịnh” chữ “Phú” chữ “Hòa” chữ “Lương” chữ “An” chữ “Mỹ” chữ “Tân”… đứng chung trong một cụm từ kép thành danh xưng địa chí? Nhưng mà có đấy!
Đến chín tháng mười ngày nở nhụy khai huê sinh hạ một tiểu thư tiếng khóc tu oa hòa với tiếng hát chim muông, không khí đồng rừng đỡ cô quạnh – cha là ó nên tên con là Quyên – Quyên Quyên gọi kép nghe thanh cao, như tiếng chim hót.
Người xưa chép chuyện chiến tranh, luôn có chuyện đàn bà, thành những thiên tình sử.
Ngày nay làm kinh tế thời bình cũng có chuyện tình sử, tại sao không?
Ông Tứ ó vui được đến ngày cháu bé biết ngồi, bụ bẫn dễ thương.
Lần ấy, ông về Sài Gòn, với vẻ gầy gò hốc hác. Bà lo lắng:
– Ông làm sao vậy? Có đau ốm gì không?
– Có gì đâu? Đang mùa vụ, việc nhiều quá, nghỉ ngơi vài ngày lại sức ngay thôi mà.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.