Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Tuyển Tập Truyện Ngắn Trần Thanh Giao của tác giả Trần Thanh Giao

Câu chuyện một chiều thứ bảy

Một chiều thứ bảy, bọn chúng tôi dắt nhau ra bờ sông Hồng chơi. Bây giờ đã là cuối thu rồi. Nước sông rút xuống và lặng lẽ trôi xuôi, cuốn theo vô số phù sa màu gạch non đùng đục. Chúng tôi trèo lên một đống gỗ ngồi nhìn xuống lòng sông. Chẳng bao lâu mà mặt trời tắt hẳn. Trăng mồng mười treo trên cao. Gió lạnh làm sông Hồng nhăn mặt. Thỉnh thoảng mấy gợn sóng con con sáng lên, lấp lánh như những lưỡi búa vàng.

Cảnh sông Hồng thật đẹp nên chuyện cứ nở như gạo rang. Chúng tôi đi từ chuyện cá mè, tép bạc sang chuyện ngao, chuyện hến. Bỗng “Danh cua” quay sang một anh bạn miền Bắc:

– Ngao à? Trong Nam gọi ngao là vọp. Có một lần mình đi vào rừng và nhớ mãi tiếng những con vọp rơi lộp cộp vào khoang thuyền. Năm ấy cách đây vừa đúng bảy năm.

Danh bỗng trầm hẳn giọng xuống, rè rè như đang có vật gì mắc trong cổ họng:

– Bảy năm qua rồi mà không bao giờ mình quên được.

Tôi bảo thầm trong bụng: lại sắp có chuyện đây. Nhìn nét mặt Danh đang thừ ra nghĩ ngợi, nhìn đôi mắt Danh đang mơ màng trông xa xa, tôi đoán có lẽ là một chuyện tình. Các anh em khác chẳng ai bảo mà ai cũng đều ngồi yên, chờ đợi. Một lúc, sốt ruột quá, tôi giục:

– Kể đi! Kể chuyện vọp đi!

Danh “ừ” một tiếng, cho tay vào túi áo ngoài, moi moi khoắng khoắng cả hai bên chẳng biết là tìm thuốc lá hay lục lại vật gì cũ kỹ. Tôi vội đưa cho anh chàng điếu thuốc và đánh diêm. Danh hít một hơi ngon lành, thở khói ra dày đặc, rồi lấy tay khoát nhè nhẹ như đang vén lên một bức màn:

Câu chuyện này cũng bắt đầu bằng một chiều thứ bảy cuối thu. Lúc ấy cả phân xưởng mình đang đổ dồn vào một công việc đột xuất là đúc lựu đạn. Anh em thay phiên làm quần quật suốt ngày đêm không nghỉ để cho kịp chiến dịch. Trong hoàn cảnh ấy, lại hết củi để nấu cơm, làm bếp. Kể thì cũng là chuyện nhỏ mọn thôi.

Nhưng nguyên tắc bảo mật tuyệt đối cấm kiếm củi ở vùng gần xưởng. Bọn này thuường phải đi xuống Vàm Đầm, xa vài mươi cây số. Sau một bữa cơm nửa sống nửa chín – mà có anh mặt nhăn như bị – cô Miên, cấp dưỡng của bọn này mới quyết định tự mình đi lấy củi. Đó là một việc nặng. Mà để cho cô đi xa thì bọn này cũng không yên tâm.

Định cắt một người cùng đi với cô. Nhưng anh em không ai rút việc ra được. Miên xin cho mình đi theo. Mọi người quay lại nhìn mình. Hồi ấy mình vừa rời ghế nhà trường đi xuống miền Tây kháng chiến, công việc trong xưởng cũng mới biết ti toe nên rỗi hơn anh em, hôm sau chủ nhật mình lại được nghỉ, nhưng mà công tác lao động có thể nói là mình dốt đặc cán mai.

Tuy vậy, không để anh em chờ lâu, mình “xung phong” đi ngay với cô Miên. Xung phong thì cũng có nhiều lý do. Trước tiên nghĩ rằng “cả làng” người ta đang làm cật lực chẳng lẽ mình cứ “cà nhỏng chống xâm lăng, phất phơ làm cách mạng”!

Hai là một mình đi vào rừng với cô Miên thì cũng hay hay. Các cậu cười à- Cái đồ quỷ, cứ nghĩ tầm bậy! Hay hay là thế này: lúc bấy giờ mình nghĩ ngay đến cảnh rừng cây mọc vút cao, ánh nắng xuyên qua kẽ lá như rẽ quạt, sóc trên cành nhảy lon ton, có một đôi thanh niên nam nữ vừa đẵn gỗ vừa hát. ấy đại loại hay hay là như vậy!

Trong bọn tôi, bật ra những tiếng cười thú vị y như khi xem xiếc thấy anh chàng đi dây rất “chúa” mà lại giả vờ trượt ngã. Thật vậy, “Danh cua” thì ghê lắm! Ông ấy việc gì cũng sành và là tay tiện cừ nhất bọn trẻ trong kíp và cả trong xưởng chúng tôi.

Nếu ai mới đi lao động công trường mà thấy Danh cứ xắn hai nhát mai một hòn đất và dạy rạch ròi cho anh em đổ nền, bện sọt thì lại tưởng Danh là nông dân chính cống.

Danh năm nay chưa đầy ba mươi tuổi, nghĩa là “còn xoan”, người tầm thước, đầu cắt “cua” nên được gọi là “Danh cua”. Mà Danh là “cua” cũng vì có đôi tay chắc nịch, sờ vào rắn như sờ phải chiếc kìm càng cua. Đặc biệt Danh cua “kẹp” đến mức “trời gầm không nhả” những anh chàng nào xem lợi riêng bằng cái hũ còn lợi chung bằng cái khu tô.

Thế mà nay lại nghe Danh nói toàn giọng “đâm hơi” như vậy thì ai mà không cười cho được. Nhưng sau này ngẫm nghĩ cái điều trái ngược ấy chúng tôi mới dần dần hiểu ra tại sao Danh lại tốt và hết lòng lo cho anh em như bây giờ. Đó cũng là cái đầu mối chính của câu chuyện mà Danh kể tiếp sau đây:

Thế là sau khi cơm nước, cụ bị xong xuôi, mình và Miên xuống một chiếc tam bản xuất hành đúng vào chiều thứ bảy. Đi loanh quanh mấy con rạch bảo mật, bọn mình trổ ra sông to. Bắt đầu gay chèo: Mình ở phía sau, Miên đứng trước mũi. Theo nhịp đều đều, hai đứa thong thả chèo đi. Con thuyền chồm chồm, lướt nhẹ trên dòng nước. Mặt trời đã khuất.

Gió sông lên. Sóng lưỡi búa đánh lách chách vào mạn thuyền. Gió thổi tung mái tóc ngắn trên vai Miên. Nói thật, ngày thường mình không chú ý đến Miên lắm. Miên tuy có một nước da mịn và trắng, người đầy đặn, nhưng lúc đầu mình trông có phần cục mịch. Vả lại lúc ấy mình cho rằng Miên suốt ngày chỉ hũ mắm, tép hành, hết nấu cháo cho bệnh thì lại đi bổ củi, khó thông cảm.

Nhưng, ở xưởng nhiều anh chàng chết mệt với cô gái mười tám tuổi ấy, có đôi mắt mí lót và cái mồm luôn luôn cởi mở. Người ta khen Miên làm việc chí tình, khen Miên đẹp, nhất là khen đôi chân. Có người bảo đôi chân ấy mà cho đi múa thì phải biết. Mình cho Miên không đẹp. Nhưng tài làm việc và đôi chân của Miên thì mình cũng chịu, không tìm được chỗ nào để mà chê.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x