Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Văn Học Di Dân của tác giả Trần Lê Hòa Tranh mời bạn thưởng thức.

CHƯƠNG 2. VĂN HỌC DI DÂN GỐC Á TẠI HOA KỲ

Với đặc trưng là một đất nước “hợp chủng quốc”, cộng đồng gốc Á tại Hoa Kỳ là một cộng đồng lớn mạnh. Văn học di dân gốc Á tại Hoa Kỳ cũng là một bộ phận quan trọng của văn học Hoa Kỳ với hai thành phần văn học dòng chính (mainstream literature) và văn học thiểu số (minority literature) với các nền văn học như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc/ Triều Tiên, Philippines, Việt Nam, Ấn Độ,… với những đề tài phong phú như lịch sử, văn hóa, nguồn cội,…

1. Một số khái niệm và các giai đoạn của văn học di dân gốc Á tại Hoa Kỳ

Danh từ văn chương/văn học di dân (emigrant literature/ literature of immigrant/migration literature) thường được dùng để chỉ một mảng văn chương do những người di cư sáng tác xuất hiện ở Âu-Mỹ từ trên 100 năm nay.

Đi cùng với khái niệm văn học di dân còn một số khái niệm có nội hàm gần như tương đương hoặc hẹp hơn như sau: văn học/văn chương hải ngoại (overseas literature), văn học/ văn chương ngoài nước, văn học/ văn chương lưu vong/ lưu đày (literature of exile), văn học/ văn chương thiểu số (minority/ ethnic literature), văn học/ văn chương dòng chính (mainstream literature)…¹

Trong Từ điển văn học không có mục từ nào định nghĩa hoặc giới thiệu các khái niệm trên.

Các khái niệm ấy đều do các nhà nghiên cứu đặt ra theo quan điểm cá nhân, có tính chất tương đối. Việc gọi tên chủ yếu xuất phát từ các đặc điểm của lực lượng sáng tác như: quan điểm chính trị, tâm thế, nội dung, ngôn ngữ sáng tác,… Tuy vậy, phổ biến và có khả năng bao quát hơn cả theo chúng tôi vẫn là khái niệm “văn học di dân”, bởi dù là hải ngoại, lưu vong, thiểu số hay dòng chính thì chủ thể sáng tạo cũng là những người dân di cư, đang sống và sáng tác ở một đất nước khác với cố quốc của họ.

Định nghĩa dòng văn chương này, Bùi Vĩnh Phúc định danh nó là văn học ngoài nước. Đưa ra một phân tích đặc sắc, ông cho rằng: Hai chữ Hán Việt “hải ngoại” không sát nghĩa bằng hai chữ thuần Việt “ngoài nước”. Vì “hải ngoại” chỉ có nghĩa là “ngoài biển”, trong khi “ngoài nước” có nghĩa là “ngoài nước Việt Nam”. Theo ông, chữ “nước” ở đây không phải là “hải” (hay thủy) mà là “quốc. Vậy muốn diễn tả đúng ý “ngoài nước Việt Nam” thì tiếng Hán Việt phải dùng là “quốc ngoại” chứ không phải “hải ngoại”. Nhưng (vẫn theo ông), âm vang của từ “ngoài nước” làm ta cảm thấy gần gũi với đất nước và người Việt hơn là khi dùng từ “quốc ngoại”.

Sự phân tích của Bùi Vĩnh Phúc khá chi tiết, còn Thụy Khuê, cũng trong bài viết “Hai mươi nhăm năm văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2000”, thì cho rằng “hải ngoại hay ngoài nước đều như nhau trong tiếng Việt: Chữ nước trong danh từ đất nước, có hàm nghĩa nước là thủy, như nước sông, nước biển, mà chữ quốc của người Trung Hoa không có. Và có lẽ ít ngôn ngữ nào trên thế giới diễn tả được hình ảnh đất nước với hai yếu tố xương thịt cơ bản tác thành nên nó: đất và nước như tiếng Việt. Nếu không có đất và nước thì không có sự sống, không có vật và người. Hai yếu tố cơ bản này, đất nước gắn bó với xác thịt và linh hồn dân tộc, đã được Bình Nguyên Lộc trải, bẩy, đúc, tả trong toàn bộ tác phẩm của ông. Ngoài ra nước biển còn có liên hệ tử sinh với người vượt biển, thành phần chủ chốt của văn học Việt Nam hải ngoại. Vậy nước trong chữ hải (biển) cũng là thành tố của đất nước. Và hải ngoại chỉ là một cách nói khác, để chỉ những gì ngoài đất nước. Do đó “hải ngoại” và “ngoài nước” là những từ tương đương”.

Tuy nhiên thuật ngữ “văn học hải ngoại” mang tính chất địa lý nên không rõ nét bằng thuật ngữ “văn học di dân” (mang tính địa chính trị). Nhưng cũng bởi sự phức tạp về lực lượng sáng tác nên văn học di dân luôn là một khái niệm mang nội hàm rộng và không ổn định. Ở mức phổ biến, bao quát nhất, nó dùng để chỉ dòng văn học của cộng đồng cư dân của một nước đã, đang tồn tại và phát triển ở các nước khác (trong mối quan hệ với nền văn học trong nước vốn bị cách biệt bởi khoảng cách, giới hạn địa lý (thường là biển cả). Khái niệm này lại ngày càng mở rộng biên độ khi mà toàn cầu hóa khiến việc dịch chuyển của con người nhiều hơn và dễ dàng hơn. Trong bối cảnh ấy, danh từ “nhà văn di dân” có thể được dùng cho cả những nhà văn không định cư ở nước ngoài mà chỉ “tạm cư” một thời gian/thời điểm nào đó nhưng sáng tác của họ vẫn mang tâm thế tha hương và viết về những vấn đề mà người di dân gặp phải trong quá trình định cư, sinh sống xa Tổ quốc. Quan điểm này cũng được nhà nghiên cứu Hàn Quốc Seiwoong Oh (trong cuốn Encyclopedia of Asian-American Literature) đồng tình khi ông liệt kê cả những nhà văn gốc Á sống tại Mỹ, không loại trừ những nhà văn đến Mỹ làm việc, du lịch.

Khái niệm văn học lưu vong/ lưu đày là chỉ tính chất lưu vong của nền văn học, không nhất thiết phải thuộc về văn học di dân, ngay cả sáng tác của những nhà văn trong nước cũng có thể có tính chất này.

Theo Linda Le: “Lưu vong ở đây có hai nghĩa, hai dạng: những người lưu vong xa xứ, bị dứt khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn và những kẻ lưu vong trên chính đất nước họ, xa lạ với xã hội xung quanh họ.

Trong tiểu thuyết thứ nhất của tôi đã được dịch ra tiếng Việt – Vu khống, có hai nhân vật chính đều là những kẻ “lưu vong kép”: cả hai đều đến từ những nước “Chà Chệt” Á Đông, một người lưu vong sống trong bệnh viện của những người điên, một người viết văn trẻ sống trong tâm trạng lưu vong vì viết bằng tiếng Pháp mà lại không phải là người Pháp – một nhà văn nữ trẻ giống như tôi – đã quên tiếng mẹ đẻ”.

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x