
Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến Q.1 – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến Q.1 của tác giả Nguyễn Hữu Trọng
TẢN-ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU (1888-1939)
TẢN-ĐÀ là biệt hiệu (tên ghép của núi Tản và sông Đà), tên thật là Nguyễn khắc Hiếu, sinh năm 1888 tại làng Khê-thượng, huyện Bất-bạt, tỉnh Sơn-tây (Bắc-phần). Thân phụ là cụ Nguyễn danh Kế, thân mẫu là một ả đào hát hay, thơ giỏi, thường gọi là Phủ Ba.
Tản-Đà là con dòng thứ. Ông có hai người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn tài Tích và Nguyễn Cổn ; ngoài ra, còn người anh cùng mẹ là Nguyễn Mạn.
Thuở nhỏ ông theo học Hán văn, sau nhờ người anh cả là Phó-bảng Nguyễn tài Tích làm Đốc-học, hết lòng chỉ dẫn nên ông nổi tiếng văn hay chữ tốt. Ngay lúc còn học ở trường Quy-thức ông nổi danh với bài Âu Á nhị châu hiện thế, được các báo Trung-hoa ở Hương-cảng đăng trong mục xã thuyết.
Năm 1909, ông bị hỏng ở khoa thi Hương (Kỷ-dậu).
Năm 1912, ông yêu cô gái bán sách họ Đỗ ở phố Hàng Bồ. Tản-Đà chiều theo ý muốn của nàng đã phải dùng bằng Ấm-sinh để thi Hậu-bổ, nhưng bị rớt vấn đáp. Mùa thu năm ấy, ông thi Hương lại hỏng luôn. Mối tình vì đó mà tan vỡ ; nàng đi lấy chồng ; Tản-Đà đành ôm khối tình tuyệt vọng từ đây.
Sau khi ông anh cả Nguyễn tài Tích mất, Tản-Đà ra làm báo. Vừa viết cho Đông-dương tạp chí của ông Nguyễn văn Vĩnh (1913), vừa viết cho Nam phong thì bị ông Phạm Quỳnh vì muốn tranh thời danh mà thẳng tay mạt sát quyển Giấc mộng con nên không hợp tác được. Ra làm chủ bút tạp chí Hữu thanh (1921) ; nhưng vốn là nhà thơ, không quen nghề làm báo nên không bao lâu Hữu thanh đình bản. Ông lập Tản-Đà thư cục, rồi cho ra An-nam tạp chí (1926) ; nhưng cũng đình bản. Tản-Đà vào Gia-định (Nam-phần) ở tại Xóm Gà viết cho báo Thần chung và Đông Pháp thời báo của ông Diệp văn Kỳ. Nhưng rồi ông lại ra Bắc tái bản An-nam tạp chí. Tờ báo này lại chết làm tan vỡ cái mộng « bồi lại bức dư đồ » của Tản-Đà. Ông đành quay về dịch thơ Đường cho báo Ngày nay, chú thích truyện Kiều, dịch Liêu trai chí dị cho nhà xuất bản Tân Dân.
Tác phẩm của ông suốt 25 năm trong nghề văn, nghề báo gồm có :
Tiểu thuyết : Thề non nước, Trần ai tri kỷ (truyện ngắn, 1932), Giấc mộng lớn, Giấc mộng con I (1916), Giấc mộng con II (1932).
Luận thuyết : Tản-Đà tùng văn (bản chính, bản phụ), Tản-Đà văn tập (hai quyển gồm những bài viết ở Đông phương tạp chí in thành sách 1932). Tản-Đà xuân sắc (1934), Khối tình (1918).
Giáo khoa : Lên sáu, Lên tám, Đài gương truyện, Quốc sử huấn mông, Đàn bà Tàu (trích dịch liệt nữ truyện).
Dịch thuật : Đại học, Đường thi, Liêu trai chí dị (40 truyện).
Tuồng chèo : Tây-Thi, Tỳ-bà hành, Lưu Nguyễn nhập Thiên-thai.
Đến năm 1939, Tản-Đà qua đời tại số 71 Ngã tư Sở, ngày 20 tháng 4 năm Kỷ-mão Âm-lịch, nhằm ngày 7 tháng 5 năm 1939 tại Hà-nội.
*
Đem đặt Tản-Đà lên hàng đầu chiếc chiếu thi đàn Việt-nam ở giai đoạn tiền chiến mở màn cho kỷ nguyên thi ca mới, có lẽ các bạn sẽ gợn lên một thoáng ngạc nhiên, nhưng rồi sự cảm xúc ấy sẽ lắng dịu ngay khi chúng ta hiểu rằng Tản-Đà là một hồn thơ cũ đã sớm cảm thông hồn thơ mới của lớp người trẻ ; thi nhân đã đóng vai trò của nhịp cầu nối liền hai thế hệ tân và cựu.
Sau khi thực dân chiếm xong giải đất này, đặt ngay guồng máy cai trị, nhốt chặt muôn triệu linh hồn Việt-nam, tuy chậm tiến trước sức mạnh vũ bão của cơ giới văn minh, nhưng vẫn là những tâm hồn khao khát cái cao rộng của trời xanh. Tản-Đà tuy không phải là chiến sĩ tích cực giải phá lao lung, nhưng cũng phát lộ được ý chí « bồi lại bức dư đồ », giãi tỏ nỗi niềm ưu ái đối với quốc gia, dân tộc.
Tiếp đấy là một cuộc tấn công mới của thực dân trên địa hạt văn hóa ; họ đem cái học thuật Tây-phương gieo rắc sự hiểu biết cần thiết của một trách vụ phục dịch để củng cố thế đứng vững chắc trên thực dân địa ; tuy nhiên nó cũng có khả năng tiêu hủy căn bản văn hóa cổ truyền của một dân tộc nhỏ bé. Đó là hồi chuông gióng lên báo hiệu sự bắt đầu suy tàn của nền học cũ. Hồn thể của Tản-Đà đã hấp thụ thâm đậm nền Nho-học Đông-hương, những mong đem sự hiểu biết của mình để thi thố với đời. Nào ngờ, ngọn gió văn minh Tây-phương thổi đùa cái căn bản tri thức của Tản-Đà tan như khói tỏa, cho nên Tản-Đà đã buồn đau khi phải chứng kiến sự thoái vị của nền cựu học.
Như để cứu vãng một thân bị lỡ làng, Tản-Đà đã không bắt chước các cụ thời xưa thường hay rút về an hưởng cảnh nhàn khi chán ngán một thực tế đắng cay, hoặc lấy tay bưng bít việc đời mặc kệ sự giả dối, lật lọng, phản trắc cứ tiếp diễn ; Tản-Đà khác hơn, đã thả hồn mình trong « giấc mộng con », « giấc mộng lớn », làm một cuộc viễn du vòng quanh thế giới như cố tìm hiểu tận cội rễ cái mới mẻ của nền tân học. Sau đấy, ta thấy Tản-Đà như làm cuộc cách mạng trong tâm hồn, tư tưởng liền biến đổi, thu được khoảng cách trước bước tiến của lớp trẻ ; tiếng lòng của thi nhân được diễn đạt thành tiếng tơ réo rắt giữa cái tân kỳ của lớp người mới mà ta không cảm mấy bị lỗi nhịp hoặc sượng sùng ; vì lúc bấy giờ Tản-Đà đã trang bị cho mình những gì cần thiết trong cuộc hòa nhạc. Cũng có cái lãng mạn của J.Leiba hay Hồ Dzếnh sau khi bị « tiếng sét ái tình » của người con gái họ Đỗ ; cũng có cái mộng mơ hư thực của Lưu trọng Lư, Thế-Lữ ; cũng có nỗi niềm tha thiết với quê hương trong mấy vần thơ của Thâm-Tâm, Trần huyền Trân ; lại có cả cái say sưa của Vũ hoàng Chương ; Tản-Đà còn vượt bực hơn thi nhân trẻ ở cái ngông. Một cái ngông mà Trời còn chạy mặt ; nó đã trở thành một bản án của vị trích tiên Tản-Đà còn ghi rành rành trong quyển sổ Thiên-tào :
Bẩm quả có tên « Nguyễn khắc Hiếu »
Đày xuống hạ giới về tội ngông.
(Hầu Trời)
Bây giờ ta thử lược qua khái quát những dòng tư tưởng của Tản-Đà.
Trước nhất, hãy nói đến khuynh hướng lãng mạn. Sau khi bị tan vỡ mộng tình cùng nàng Đỗ thị, Tản-Đà đã dành cho tình yêu chiếm một chỗ quan trọng trong thi ca. Từ thuở ban sơ khi tim tình bắt đầu rung động, thi nhân tự hỏi :
Quái lạ vì sao cứ nhớ nhau ?
Nhớ nhau đăng đẳng suốt đêm thâu.
Bốn phương mây nước người đôi ngả,
Hai gánh tương tư một gánh sầu.
Nhịp lòng dậy lên niềm thổn thức khi thẫn thờ cô độc đứng dưới ánh trăng suông, thảng thốt thi nhân kêu lên như than thở :
Mình ơi có nhớ ta chăng ?
Nhớ mình đứng tựa ánh trăng ta sầu.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.