
Võ Văn Kiệt – Tiểu sử – Đọc Sách Online Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Cuốn sách gồm 9 chương, sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những chặng đường đời, cũng như những hoạt động phong phú, những đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt để thêm kính trọng và yêu quý người cộng sản kiên trung, người lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, một nhân cách lớn, một con người suốt đời vì nước, vì dân.
Lời mở đầu
Trên những dấu mốc hai cuộc chiến đấu ngoan cường của dân tộc ta (chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ) đã lưu lại vô vàn mảnh ký ức 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, liên tục của đồng chí Võ Văn Kiệt. Bởi suốt những năm tháng “mưa bom bão đạn” ấy, ông đã kề vai sát cánh cùng tất thảy các đồng chí, lực lượng vũ trang cũng như quần chúng nhân dân với một tinh thần bất khuất, quả cảm và một đường lối đúng đắn, kiên định. Có thể nói, bên cạnh những thế hệ lãnh đạo cách mạng xuất sắc thì Võ Văn Kiệt cũng là một lãnh đạo ưu tú với nhiều đóng góp hết sức lớn lao trong cuộc chiến mang tầm vóc thời đại – giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi nhìn lại chặng đường gian nan, thử thách của đồng chí Võ Văn Kiệt từ những ngày đầu chập chững bước vào Đảng đến các chức vụ quan trọng như: Bí thư Chi bộ huyện Vũng Liêm, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,… chúng ta sẽ không khỏi cảm kích và tự hào trước một tấm gương tận trung, tận hiến của một anh hùng cách mạng.
Trong thời điểm đất nước ta bước vào giai đoạn khó khăn do mới giành lại độc lập và đang trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội cũng như thực hiện công cuộc đổi mới, Võ Văn Kiệt đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dù ở bất kỳ cương vị nào. Trải bao sự rèn giũa của Hồ Chủ tịch, thời cuộc và sự trau dồi tự thân bản lĩnh chính trị và quân sự, ông đã trở thành người cộng sản tiêu biểu cho những phẩm cách quý báu: dũng cảm, nhạy bén và giàu khả năng học tập, sáng tạo. Song song đó, ông còn là người luôn đề cao sự trách nhiệm, thái độ lắng nghe, cầu thị để đánh giá, thích ứng với từng hoàn cảnh thực tiễn.
Nhằm ghi nhớ và bày tỏ lòng tri ân trước những đóng góp, cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật đã xuất bản quyển sách có nhan đề Võ Văn Kiệt – Tiểu sử với sự hỗ trợ của Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam. Tác phẩm này bao gồm 9 chương với các chủ đề trải suốt những giai đoạn của cuộc đời, hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt. Các chương trong quyển sách gồm những mục như sau:
Chương 1. Quê hương – gia đình – thời niên thiếu (1922-1938);
Chương 2. Tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ, xây dựng lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá (1938-1945);
Chương 3. Những năm tháng hoạt động trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954);
Chương 4. Hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975);
Chương 5. Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh ổn định và phát triển kinh tế – xã hội sau chiến tranh (1976-1986);
Chương 6. Hoạt động trên cương vị lãnh đạo của Hội đồng Bộ trưởng (1982-1991);
Chương 7. Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo đất nước vững bước trên con đường hội nhập và phát triển (1991-1997);
Chương 8. Trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
Chương 9. Nhà lãnh đạo tài năng – tấm gương người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Vài nét về cuộc đời, quê hương và cơ duyên đến với cách mạng của Võ Văn Kiệt
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008), tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh là Sáu Dân. Ông sinh ra trong gia đình nông dân có truyền thống cách mạng và một vùng đất giàu lịch sử yêu nước và đấu tranh anh dũng của biết bao thế hệ kiên cường tại thôn Bình Phụng, làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Có lẽ vì nguyên cớ này, ngọn lửa cách mạng trong ông đã sớm được thắp sáng và càng rực rỡ về sau này.
Quê hương ông là một vùng đất trù phú thuộc đồng bằng châu thổ nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu với khí hậu ôn hòa. Nơi đây có một vị trí khá đặc biệt, bốn phía đều giáp với các tỉnh, thành phố năng động, phát triển: Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ và Đồng Tháp. Song song đó, thành phố Vĩnh Long còn là trung tâm kinh tế, văn hóa và đầu mối giao thông quan trọng.
Được biết, tỉnh Vĩnh Long ra đời khá muộn (cách đây 300 năm), đây là một vùng đất có lịch sử khai phá, đấu tranh bảo vệ bờ cõi cũng như góp phần vào công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam của đất nước ta từ lâu. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, những người nông dân nghèo miền Trung (do bị bóc lột, lao dịch nên đã đến địa bàn nơi đây khai phá) được cho là những người dân đầu tiên của Vĩnh Long.
Từ lâu, Vĩnh Long đã được biết đến là nơi giàu truyền thống yêu nước, đoàn kết. Trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của nông dân, ta có thể nhắc đến cuộc khởi nghĩa Lạc Hóa (1841) diễn ra dưới thời Nguyễn. Về sau, con đường cách mạng ở Vĩnh Long ngày càng tiến bộ với sự chuyển biến từ phong trào yêu nước sang con đường cách mạng vô sản. Đặc biệt, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời thì Vĩnh Long cũng thành lập năm chi bộ đảng cộng sản. Từ đó, phong trào cách mạng nơi đây càng có quy mô, hành động nhất quán, rộng mở và hiệu quả hơn.
Do đó, ta có thể nói rằng, chính quê hương được mệnh danh là vùng “đất học” này cũng như tinh thần trượng nghĩa, truyền thống chiến đấu anh dũng, bất khuất dạt dào nơi đây đã phần nào hun đúc cho Phan Văn Hòa một bản lĩnh vững vàng cùng một ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc cháy bỏng. Sau này, trên con đường hoạt động cách mạng truân chuyên của mình, Phan Văn Hòa dần ít dịp trở về quê hương. Dẫu vậy, tình yêu quê hương, gia đình bao giờ cũng diết da, sâu nặng đối với đồng chí.
Như đã nhắc trên đây, Phan Văn Hòa xuất thân trong một gia đình nông dân đông con nghèo khó. Từng có một thời gian, gia đình ông không có lấy một nơi để trú thân. Sinh thời, cha mẹ ông có tám người con và Phan Văn Hòa là người con út. Do cuộc sống bươn chải vất vả, nhọc nhằn đã khiến thân mẫu ông ra đi khá sớm. Sau này, khi lập gia thất, ông kết hôn với bà Trần Thị Kim Anh, một phụ nữ xuất thân từ gia đình khá giả, giàu tinh thần yêu nước.
Trong hoàn cảnh kháng chiến lúc ấy, hai người phải thường xa cách. Tình yêu của hai người được đơm kết thành bốn người con: hai trai, hai gái. Những tháng ngày gần gụi nhau là đoạn thời hạnh phúc, bình yên biết mấy đối với đôi vợ chồng. Dẫu vậy, niềm vui chẳng kéo dài bao lâu thì đồng chí Phan Văn Hòa nhận được tin ác rằng vợ và đứa con mới 4 tháng tuổi đã bị máy bay Mỹ thảm sát. Ít lâu sau, người con trai lớn – Phan Chí Dũng cũng hy sinh tại Rạch Giá khi chỉ mới 21 tuổi.
Ngót gần 20 năm kể từ khi vợ mất, đồng chí mới tục huyền với bà Phan Lương Cầm. Kể từ đó, bà cùng đồng chí Phan Văn Hòa nuôi dạy và bồi dưỡng những tri thức khoa học, kỹ thuật, lý luận, thực tiễn về sự nghiệp cách mạng cho các con.
Trong gia cảnh khó khăn, thiếu thốn ngày thơ ấu, Phan Văn Hòa sớm cảm nhận được sự nối kết sâu sắc và tình yêu vô bờ đối với quê hương, đất nước cùng những người lao động nghèo. Nguyên cớ là bởi từ thuở bé ông đã phải rời xa vòng tay mẹ mà trở thành con nuôi cho ông Phan Văn Chi.
Trong thời gian ấy, ông được nuôi nấng và lớn lên bởi sữa từ nhiều phụ nữ trong vùng. Thuở nhỏ, ông là một đứa trẻ hiếu động, yêu các vở hát bội và có niềm say mê đặc biệt với những người có “nghề” võ. Thế nên, ông đã theo thầy học võ với mong muốn là bảo vệ bản thân và những người yếu thế.
Năm 10 tuổi, ông được đi học tại một lớp vỡ lòng ở làng Bình Phụng. Ấy vậy nhưng con đường học vấn của ông chẳng hanh thông bởi cùng lúc ông phải phụ giúp gia đình việc đồng áng. Thêm vào đó, ông còn phải đi ở đợ cho các gia đình khác trong vùng. May mắn thay, nhờ khoảng thời gian đó ông thường đi ôm gà phụ cho ông chủ trong gia đình đó mà sau này ông biết thêm nhiều vùng, nhiều lối đi để sau này phục vụ cho công tác liên lạc và thoát khỏi sự lùng sục của kẻ thù khi khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại.
Song, suốt thời thơ ấu rày đây mai đó “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã hun đúc một ý chí sắt đá “cứu nước, cứu dân” trong Phan Văn Hòa. Bởi càng thu vào tầm mắt nỗi cơ cực của người dân, sự xa xỉ, phung phí của những kẻ giàu có, trịch thượng càng làm tăng sự đồng cảm, lòng căm thù các thế lực cường quyền. Do đó, ngay khi được giác ngộ thì đồng chí đã quyết tâm hy sinh vì cách mạng.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.