
Vua Trẻ Trong Lịch Sử Việt Nam – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Vua Trẻ Trong Lịch Sử Việt Nam của tác giả Vũ Ngọc Khánh mời bạn thưởng thức.
NGÔ VƯƠNG QUYỀN
(Ngô Quyền 939-944)
Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897) ở Đường Lâm (Ba Vì, Hà Tây), cha là Ngô Mân, một hào trưởng có tài. Ngô Quyền rất thông minh, khôi ngô, mắt sáng như chớp, văn võ toàn tài, được Dương Đình Nghệ (Dương Diên Nghệ) tin yêu, gả con gái là Dương Thị Ngọc Thư và giao cho cai quản đất Ái Châu.
Bỗng có tin dữ về đến Ái Châu, Ngô Quyền gần như muốn ngã ra, nhưng ông cố gắng trấn tĩnh để hỏi các thuộc hạ cho kỹ càng chi tiết. Tình hình Giao Châu biến động, kết quả rất bi đát. Tướng sĩ quân dân đều ngã lòng. Nếu không sớm kịp thời ổn định, bọn nước ngoài sẽ kéo vào xâm chiếm. Đội thám báo từ thành Đại La, đêm ngày hối hả về làng Giàng (Dương Xá) trình bày tình hình rất khẩn cấp: Tướng Tàu Trần Bảo từ khi bị đuổi đánh mà chết, bọn quân quan nhà Đường không thấy lộ ra một sự phản ứng gì, nên tình hình Giao Châu có phần yên tĩnh. Tướng công Dương Diên Nghệ lên làm Tiết độ sứ, rất được mọi người kính mộ, mọi việc đều yên ổn, đất nước được thanh bình. Nhưng không ngờ, ngay trong nội bộ của mình, có kẻ rắp tâm phản bội, bày mưu hãm hại Tiết độ sứ.
Ngô Quyền khoát tay ra hiệu không cần viên thám báo nói thêm. Ông ra lệnh cho vị tham mưu đứng bên cạnh mình:
Ông thông báo cho toàn quân được rõ, và cho sắp đặt để đúng mờ sáng ngày mai, toàn cõi ta làm lễ để tang cho Tiết độ sứ. Toàn quân để tang ba ngày, còn nhân dân vùng Giàng thì không quy định. Trong quân đáng lẽ thụ tang lâu hơn, nhưng phải thu xếp để hành binh ngay, sớm giờ nào hay giờ ấy.
Cái chết của Dương Diên Nghệ khiến cho Ngô Quyền ngày đêm trầm ngâm đau xót. Ông hồi tưởng lại công ơn của vị tướng già châu Ái đã rèn cặp, bồi dưỡng mình từ khi còn bé bỏng cho đến nay đã khôn lớn trưởng thành. Ông đã được Dương Diên Nghệ thu nhận từ lúc còn ít tuổi. Hồi đó, ông Ngô Mân làm châu mục ở châu Đường Lâm, cùng với Dương Diên Nghệ đều ở dưới quyền của Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ. Thấy Dương Diên Nghệ là một lão tướng có đức độ, giàu tài năng, Ngô Mân để cho Ngô Quyền con trai mình đến học tập, phụ tá, dần dần được dùng làm nha tướng trong quân ngũ của họ Dương. Ở thành Đại La được ít lâu, Khúc Thừa Mỹ bằng lòng cho Dương Diên Nghệ được về quản lĩnh Ái Châu, nơi có làng Giàng là quê hương họ Dương (còn gọi là làng Dương Xá). Có ông Dương ở đây, Khúc Thừa Mỹ yên tâm về phía Nam của đất nước, vì Ái Châu là đất phên dậu có thể chế ngự được những trò gây hấn ở phía Nam và phía Tây. Dương Diên Nghệ đã rất xứng đáng với sự ủy nhiệm này.
Tại vùng đất này, Dương Diên Nghệ đã xây dựng cho gia đình và tộc thuộc của mình một trang ấp lớn. Vùng đất bao trùm cả một diện rộng từ chân dãy núi Đông cho đến ngã ba Đầu, chung quanh là các núi Vân, núi Vạn, núi Vồm, tạo thành một vùng thôn trang êm đềm, dồi dào sức sống. Ông Dương đã đưa họ hàng nội ngoại về đây quây quần, trong số đó có cả Ngô Quyền. Ngô Quyền đã được ông gả con gái là Dương Thị Ngọc Thư và phong cho làm nha tướng, lại được phép đưa gia đình họ Ngô về Ái Châu, cùng xây dựng cơ nghiệp với bố vợ. Trang ấp họ Dương sống thanh bình yên ổn, nhưng ngày đêm vẫn không ngừng tập luyện võ nghệ. Họ chung sức cày cấy để tích trữ lương thực, đồng thời tập bắn cung, cưỡi ngựa, bày vẽ cho nhau những bí quyền của thập bát ban võ nghệ. Những sườn núi suốt từ dải Hàm Rồng bên Đông Sơn rồi sang dãy Tiên Nông (thuộc các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa bây giờ), đều có dấu tích những cuộc luyện quân, tập trận. Trên các ngả sông Lương Giang, Chùy Giang ra đến Mã Giang cũng thường có những cuộc bơi thuyền hoặc những cuộc luyện tập thủy quân.
Dương Diên Nghệ là người đức độ. Ông yêu thương tất cả mọi người, đặc biệt là đối với lớp thanh niên trẻ tuổi. Họ luôn luôn đến với ông không phải với tư cách của người lính đến với chủ tướng, người dân đối với quan trưởng, mà với tư cách người con đến với cha. Tất cả đều gọi ông là cha, và ông cũng coi họ là con. Số lượng này đông đến ba ngàn người, Ngô Quyền ở trong số đó, cả khi đã nhận một trọng trách trong hàng tướng lĩnh. Hai vợ chồng Ngô Quyền có một dinh cơ bên cạnh dinh cơ của Dương Diên Nghệ.
Những tưởng ông Dương có thể sống bình yên trong trang ấp cùng họ hàng và những cháu con tráng sĩ của mình. Nhưng không ngờ, phía bên kia, nhà Lương mất. Khúc Thừa Mỹ vốn tìm cách dựa vào nhà Lương để đối phó với các triều khác, nên gây nên sự bất bình ngấm ngầm. Vua Nam Hán cho Lý Khắc Chính đem quân sang chiếm Giao Châu, bắt được Khúc Thừa Mỹ đưa về giam giữ, sau đó cửLý Tiến làm thứ sử để cai trị. Dương Diên Nghệ tức tốc đem ba ngàn tráng sĩ của mình ra đánh báo thù. Vua Hán cho Thừa chỉ Trần Bảo đem quân sang góp sức cho Lý Tiến, nhưng chúng đều bị thua.
Lý Tiến bỏ chạy, còn Trần Bảo thì chết ngay tại trận. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Dương Diên Nghệ, quân Nam Hán đành bất lực, rút lui. Nhân dân tôn ngay Dương Diên Nghệ lên làm Tiết độ sứ Giao Châu. Như thế là cơ nghiệp Giao Châu được dấy lên từ thời Khúc Thừa Dụ (906) Khúc Hạo (907) Khúc Thừa Mỹ (917), đến nay được Dương Diên Nghệ tiếp nối, đang cố gắng chấn chỉnh, mở mang để sớm thành một quốc gia, ngang tầm với các triều đại của thời Ngũ quí). Dương Diên Nghệ bắt đầu cầm quyền từ năm 931. Thời gian này, một mình ông coi sóc các việc ở Giao Châu với các tướng tá thân tín. Còn con rể ông là Ngô Quyền, con trai ông là Dương Tam Kha (em bà Dương Thị Ngọc Thư) thì đều ở lại Thanh Hóa.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.