Sách này chia sẻ mục đích hỗ trợ người đọc cá nhân chưa có điều kiện mua sách giấy, hoàn toàn miễn phí và phi lợi nhuận. Sách được sưu tầm nhiều nguồn khác nhau mọi bản quyền thuộc về Tác Giả & Nhà Xuất Bản!

Giới thiệu & trích đoạn ebook

Sách Vùng Đất Con Người Đông Nam Bộ của tác giả Đinh Văn Thiên, Hoàng Thế Long, Nguyễn Trung Minh mời bạn thưởng thức.

2. Đông Nam Bộ – vùng kinh tế năng động

Đông Nam Bộ là vùng có nền kinh tế hàng hóa sớm phát triển, cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển hơn so với các vùng khác trong cả nước. Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về tổng sản phẩm trong nước, giá trị sản lượng công nghiệp và giá trị hàng xuất khẩu.

Đông Nam Bộ có vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội. Nằm trên tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đồng thời là điểm trung chuyển trên tuyến đường hàng không quốc tế từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, trên tuyến đường xuyên Á nổi liền giữa các nước Đông Nam Á. Các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên là yếu tố quan trọng giúp Đông Nam Bộ trở thành khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất cả nước, có nhiều trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, hệ thống đô thị…

Đông Nam Bộ là đầu mối giao lưu của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, là vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa và khoa học công nghệ lớn của cả nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Công nghiệp có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của vùng. Sự chênh lệch ngay trong vùng cũng rất cao, thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất.

Trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của vùng, ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống là ngành công nghiệp mang lại giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất, sau đó là khai thác dầu thô và khí tự nhiên.

Đông Nam Bộ có tiềm năng rất lớn về cây công nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, chăn nuôi gia súc. Cây ăn quả được xác định là cây chủ lực trong trồng trọt của các tỉnh trong vùng (mãng cầu, nhãn, bưởi, măng cụt, sầu riêng…). Ngoài ra, cây công nghiệp lâu năm cũng là thế mạnh của vùng (cao su, tiêu, điều, cà phê…).

Trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản: Vùng đã tận dụng lợi thế giao thông thuận lợi, công nghiệp chế biến hiện đại, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao.

Khu vực kinh tế dịch vụ của vùng được quan tâm đầu tư phát triển với hạt nhân là thành phố Hồ Chí Minh, nhằm đưa địa phương này thành trung tâm dịch vụ ngang tầm khu vực về tài chính, thương mại, du lịch. Các hoạt động kinh tế dịch vụ chủ yếu là dịch vụ tài chính, tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, vận tải và kho vận quốc tế, dịch vụ viễn thông và kinh doanh bất động sản…

3. Cộng đồng các dân tộc vùng Đông Nam Bộ

Các dân tộc chính cư trú ở Đông Nam Bộ gồm: Kinh, Khmer, Chăm, Xtiêng, M’Nông, Hoa, Mạ, Chơro…

* Dân tộc Kinh

Tên gọi khác: dân tộc Việt. Cư trú khắp cả nước, nhưng đông nhất là ở các vùng đồng bằng và thành thị.

Đặc điểm kinh tế: Người Kinh làm ruộng nước. Trong nghề trồng lúa nước, người Kinh có truyền thống đắp đê, đào mương. Nghề làm vườn, trồng dâu nuôi tằm, nghề nuôi gia súc và gia cầm, đánh cá sông và cá biển đều phát triển. Nghề gốm có từ rất sớm.

Người Kinh có tập quán ăn trầu cau, hút thuốc lào, thuốc lá, uống nước chè, nước vối. Ngoài cơm tẻ, cơm nếp, còn có cháo, xôi và các món chế biến từ hạt gạo. Mắm tôm, trứng vịt lộn là món ăn độc đáo của người Kinh.

Tổ chức cộng đồng: Người Kinh sống quây quần bên nhau theo mô hình làng xã, nơi sinh sống thường trồng tre bao bọc xung quanh, nhiều nơi có cổng làng chắc chắn. Mỗi làng có đình là nơi hội họp và thờ cúng chung.

Hôn nhân gia đình: Trong gia đình người Kinh, người chồng (người cha) là chủ. Con cái lấy họ theo cha và họ hàng phía cha là “họ nội”, còn đằng mẹ là “họ ngoại”. Con trai đầu có trách nhiệm tổ chức thờ phụng cha mẹ, ông bà đã khuất. Mỗi họ có nhà thờ họ, có người trưởng họ quán xuyến việc chung. Hôn nhân theo chế độ một vợ một chồng. Việc cưới xin phải trải qua nhiều nghi thức, nhà trai hỏi vợ và cưới vợ cho con. Người Kinh coi trọng sự đức độ, phẩm hạnh của các cô dâu, đồng thời chú ý đến gia thế xuất thân của họ.

Văn hóa: Vốn văn học cổ của người Kinh khá cao và sâu sắc, có văn học miệng (truyện cổ, ca dao, tục ngữ), có văn học viết (những áng thơ, văn, bộ sách, bài hịch). Nghệ thuật phát triển sớm và đạt trình độ cao về nhiều mặt: ca hát, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, múa, diễn xướng. Hội làng hàng năm là một dịp sinh hoạt văn nghệ rôm rả, hấp dẫn nhất ở nông thôn.

Nhà cửa: Nhà người Kinh miền Bắc có nhiều kiểu, nhiều dạng khác nhau thể hiện ở kết cấu bộ khung nhà, chủ yếu là ở các kiểu vì kèo, ở bình đồ, (tổ hợp nhà), ở tổ chức mặt bằng sinh hoạt… Song kiểu nhà truyền thống, phổ biến trước kia là ba gian hai chái với vì kèo suốt giá chiêng -sáu hàng cột là tiêu biểu hơn cả. Cũng có thể là vì kẻ chuyển (một biến dạng gần của vì kèo suốt). Tổ hợp hai nhà: nhà chính và nhà phụ kết hợp với nhau theo hình “thước thợ”. Mặt bằng sinh hoạt: gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, phản gỗ (ghế ngựa) dành cho chủ nhà và bàn ghế tiếp khách. Hai gian bên của gian giữa kê giường tủ dành cho các thành viên nam trong nhà. Hai gian chải có vách (đố hoặc tường) ngăn với ba gian giữa. Trong các gian này dành cho sinh hoạt của các thành viên nữ, đồng thời còn là nơi để cất lương thực và các thứ lặt vặt khác. Đó là ngôi nhà chính, còn nhà phụ: một gian hai chái, vì kèo thường đơn giản (vì kèo cầu hoặc vì kèo – ba cột). Nhà này thường là nhà bếp kết hợp làm nơi để nông cụ, cối xay, cối giã, và chuồng trâu…

Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe

Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.

Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?

  • Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
  • Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x