
Vùng Đất Nam Bộ Dưới Triều Minh Mạng – Web Tải Sách Miễn Phí Ebooks PDF
Giới thiệu & trích đoạn ebook
Sách Vùng Đất Nam Bộ Dưới Triều Minh Mạng của tác giả Choi Byung Wook mời bạn thưởng thức.
2. QUAN HỆ GIỮA CÁC THÀNH VIÊN TRONG CHÍNH QUYỀN GIA ĐỊNH
Các nhóm quyền lực của Gia Định
Liên quan đến vấn đề người nắm giữ quyền lực, những người lãnh đạo của chính quyền Gia Định thể hiện những đặc điểm trội biệt so với những nhà cai trị họ Nguyễn của xứ Đàng Trong trước đây. Quá trình xây dựng chính quyền Gia Định có nhiều điểm tương đồng với chính quyền Đàng Trong. Cả hai đều có mối quan hệ tới sự liên kết của nhóm quyền lực từ miền Bắc với những người bản địa phương Nam. Tuy nhiên, sự khác biệt sâu sắc giữa hai thể chế chính quyền trong thời gian này nằm ở yếu tố con người.
Những thành viên cốt cán của chính quyền Đàng Trong đến từ Thanh Hóa – quê hương của Nguyễn Hoàng – người có công lập ra chính quyền. Những thông tin trong các tiểu sử chính thức chỉ ra rằng bên ngoài triều đình, hầu hết những vị trí lãnh đạo ở cấp địa phương đều do người Thanh Hóa, đôi khi là do các thành viên gia đình hoàng tộc nắm giữ.’
Trái lại, chính quyền Gia Định khởi đầu được xây dựng bởi chính những con người Gia Định. Nếu chúng ta chỉ dựa vào quan điểm “trung hưng” mà các nhà sử học chính thống thế kỷ XIX dùng để mô tả sự thành lập của vương triều Nguyễn thì chúng ta rất khó có thể hình dung được sự tương phản này. Theo thuật viết sử dựa trên quan điểm “trung hưng”, Nguyễn Phúc Ánh đã khôi phục lại chính quyền nhà Nguyễn, đánh bại quân Tây Sơn, thống nhất Việt Nam và xây dựng nên vương triều Nguyễn.
Rõ ràng, quá trình này phù hợp với quan điểm “trung hưng”. Tuy nhiên, khái niệm “trung hưng” được truyền đạt một cách chung chung và thiếu chính xác, cách hiểu cho rằng Nguyễn Phúc Ánh là hoàng tử còn sống sót và chính thống của hoàng tộc được đưa lên ngôi sau khi vị chúa cuối cùng của nhà Nguyễn bị quân Tây Sơn giết hại. Do đó, ông ta và những thần dân của ông ta đã huy động người Gia Định đánh trả quân Tây Sơn.
Quan điểm này khuyến khích những nhà sử học quan tâm tới thông tin về chính quyền Gia Định như là một căn cứ của giai cấp thống trị, bao gồm cả hoàng tử từ Huế và những người dân Gia Định nói chung được nhà Nguyễn huy động. Tuy nhiên, điều mô tả này không trình bày được bản chất thực của chính quyền Gia Định. Để tìm được sự thật, chúng ta cần phải đầu tư nghiên cứu xem Nguyễn Phúc Ánh đã tập hợp được lực lượng của ông ta như thế nào.
Vào quãng thời gian Nguyễn Phúc Ánh xây dựng cơ sở vững chắc ở vùng Gia Định năm 1788, lực lượng của ông ta gồm có 4 nhóm chính: tàn quân chiến đấu của dòng họ chúa Nguyễn, ba nhóm quân của Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh. Tàn quân của lực lượng nhà Nguyễn và một số thành viên của hoàng tộc đã thể hiện lòng trung thành với Nguyễn Phúc Ánh khi chú của ông ta là Duệ Tông (1765 – 1776) và người em họ tên là Tân Chính Vương (chúa cuối cùng của dòng họ Nguyễn, 1776 – 1777) bị giết hại năm 1777.
Tuy nhiên, sự thực là quy mô của những nhóm trên – những binh lính và người hoàng tộc còn lại của dòng họ Nguyễn – khó có thể được coi là đáng giá. Năm 1776, khi Tống Phúc Hợp, người cầm quân thực thụ của năm doanh trại bị chết, hệ thống quân đội chính thức của nhà Nguyễn đã hoàn toàn bị phá hủy.
Thay thế vào đó, những nhóm quân đội độc lập đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những trận đánh trả quân Tây Sơn hoặc đánh lẫn nhau. Có ba nhóm quân dẫn đầu được gọi là “Gia Định Tam Hùng” (có ba người anh hùng Gia Định): Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh. Sau năm 1776, quân Tây Sơn chiếm Sài Gòn 4 lần vào các năm 1776, 1777, 1782 và 1783. Lần thứ nhất và lần thứ hai, Đỗ Thanh Nhân đánh chiếm lại Sài Gòn, lần thứ ba là Châu Văn Tiếp và vào năm 1788, Võ Tánh có công chính trong việc khôi phục lại vĩnh viễn đất Sài Gòn.
Sự phân chia quyền lực và sự tan rã của các lực lượng quân đội ở Gia Định liên quan đến việc thiếu tính hợp pháp của những người cai trị cuối cùng của dòng họ Nguyễn như Duệ Tông, Tần Chính vương và Nguyễn Phúc Ánh. Để hiểu vấn đề này, chúng ta cần lưu ý đến những gì đã xảy ra trước khi Duệ Tông tới Gia Định năm 1775.
Một thời gian ngắn trước khi Võ Vương’ băng hà năm 1765, câu hỏi về một hoàng tộc chính thống được đặt ra là vấn đề chính trị quan trọng trong nội bộ nhà Nguyễn. Vì người con trai cả của Võ Vương chết sớm nên ông chọn người con trai thứ 9 lên nối ngôi. Tuy nhiên, sự lựa chọn này cho thấy một sự thất bại khác: hoàng tửmới nối ngôi cũng mất sớm ngay sau đó.
Sau khi Võ Vương băng hà, Trương Phúc Loan – quan nhiếp chính của nhà Nguyễn thời gian đó tự mình quyết định sự kế vị. Người con thứ 16 của Võ Vương được chọn, về sau có tên hiệu là Duệ Tông. Theo kết quả của sự chuyển đổi ngôi chúa này, vị trí của Duệ Tông tương đối bấp bênh.
Một sự lựa chọn khác cho sự kế vị là người cháu đích tôn của Võ Vương, tức con trai cả của người con thứ 9 của Võ Vương người thể hiện được quyền uy đối với nhiều người có thế lực (dù họ là người của Tây Sơn hay lực lượng đối lập) như một ứng viên hợp lý nhất cho việc kế ngôi.³ Quân Tây Sơn luôn tuyên bố rằng họ muốn ủng hộ cho người cháu nội của Võ Vương mặc dù liên minh này không thành công bởi tham vọng lớn lao của Tây Sơn và việc người con cả của Võ Vương không muốn nhận sự ủng hộ của quân Tây Sơn.
Sách liên quan
Donate Ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe
Nhằm duy trì website tồn tại lâu dài và phát triển, nếu bạn yêu thích Taiebooks.com có thể ủng hộ chúng tớ 1 ly cafe để thêm động lực nha.
Bạn cần biết thêm lý do để ủng hộ Taiebooks.com ?
- Website cần duy trì tên miền, máy chủ lưu trữ dữ liệu tải ebook và đọc online miễn phí.
- Đơn giản bạn là một người yêu mến sách & Taiebooks.com.